Để giảm bớt sự lo lắng, hồi hộp mỗi khi được mời phỏng vấn, bạn thường chuẩn bị kĩ càng. Thế nhưng, điều đáng lo ngại chính là bạn không thể xác định đúng tính cách của nhà tuyển dụng. Về vấn đề này, hãy cùng Trưởng phòng Nhân sự Công ty Tuyển dụng và Tìm kiếm việc làm hàng đầu Việt Nam CareerLink.vn tham khảo một số phong cách nhà tuyển dụng thường gặp và cách “ứng phó” hiệu quả cho mỗi trường hợp nhé.

Tìm việc làm nhanh nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh

Phong cách lạnh lùng

Khó có thể phán đoán được suy nghĩ khi đối diện với một nhà tuyển dụng lạnh lùng, cũng vì thế mà sự tự tin của bạn sẽ giảm đáng kể. Sẽ khó tìm thấy nụ cười hay những lời hỏi thăm từ nhà tuyển dụng này, đa phần chỉ là những câu nói ngắn gọn không cảm xúc.

Tuy nhiên, hãy cố gắng đừng để bị dao động và “đóng băng” bởi nhà tuyển dụng lạnh lùng. Dù liên tiếp được đáp trả bằng thái độ lãnh cảm, bạn hãy nhớ luôn duy trì việc tạo ấn tượngbằng cách thể hiện kiến thức phong phú của bản thân cũng như kinh nghiệm đã tích lũy được từ các công việc trước. Nếu đây là công ty lần đầu bạn thử sức, vốn kinh nghiệm còn khá ít ỏi, thì hãy mạnh dạn thể hiện quan điểm, ý chí phấn đấu của bản thân.

Đừng chỉ rập khuôn theo câu hỏi mà hãy đưa ra những thắc mắc của bạn về công ty, môi trường làm việc,… Hãy để nhà tuyển dụng lạnh lùng thấy được sự quan tâm chân thành của bạn và mong muốn cống hiến sức mình vì sự phát triển của công ty.

Phong cách điều tra

Hàng loạt câu hỏi nghi vấn đòi hỏi bằng chứng xác thực sẽ được nhà tuyển dụng đưa ra để chắc rằng mọi thông tin bạn thể hiện trong đơn xin việc là chính xác. Những bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc hay như cách hành xử của bạn trên mạng xã hội như thế nào… đều được nhà tuyển dụng phong cách này điều tra từ A – Z.

Sự bối rối và không thoải mái là khó tránh khỏi khi gặp phải người có phong cách này. Do đó, bạn nên chú ý lắng nghe thật kỹ từng câu hỏi của nhà tuyển dụng và đưa ra câu trả lời đúng trọng tâm nhất. Một câu trả lời lan man sẽ khiến nhà tuyển dụng điều tra cảm thấy không hài lòng và chưa đạt được mục đích của họ.

Đồng thời, khi nghe kỹ và phân tích các câu hỏi, bạn sẽ cùng lúc nhận thấy điều gì công ty cần, những giá trị nào công ty mong đợi ở ứng viên, từ đó thể hiện bản thân thật hoàn hảo và nổi bật.

Chẳng hạn như nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cụ thể về những dự án từng đảm nhận. Lúc này, bạn cần hiểu là họ đang muốn tìm kiếm ở bạn kỹ năng giải quyết vấn đề và sự sáng tạo độc đáo trong công việc. Thậm chí, những nhà tuyển dụng yêu thích phong cách điều tra có thể sẽ đề nghị bạn thao tác trực tiếp với máy móc, thiết bị để chắc chắn mọi kỹ năng bạn đề cập trong đơn xin việc đều có thật.

Phong cách đòi hỏi

Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp thì nhà tuyển dụng sẽ có tâm lý đòi hỏi và yêu cầu nhiều hơn ở các ứng viên khi phỏng vấn.

Đây là cơ hội để bạn chứng tỏ mình chính là ứng cử viên xuất sắc thông qua sự thể hiện kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên môn, thế mạnh nào của bản thân có thể tương tác, đổi mới công ty một cách ấn tượng. Ngoài ra, bạn cũng nên bộc lộ quyết tâm phát triển sự nghiệp tại công ty cũng như đưa ra đánh giá vì sao bạn cho rằng đây chính là môi trường phát triển lý tưởng và doanh nghiệp chính là nơi bạn sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến hết khả năng.

Phong cách hời hợt

Có thể bạn đã dành rất nhiều thời gian để lên kế hoạch “ứng phó” hàng tá câu hỏi từ nhà tuyển dụng nhưng mọi chuyện bất ngờ rối tung vì họ… không hỏi gì nhiều.Tuy vậy bạn không nên để sự bối rối làm ảnh hưởng đến cả quá trình. Hãy nhớ rằng khi nhà tuyển dụng mù mờ thông tin, hời hợt trong lúc phỏng vấn là lợi thế giúp bạn “tiếp thị” bản thân hiệu quả. Chủ động giới thiệu bản thân mình, sử dụng câu chữ một cách thông minh, đưa ra những điểm mạnh, cách khắc phục những điểm yếu của bản thân và mong muốn góp sức mình phát triển cho công ty là cách tạo ấn tượng mạnh mẽ trước nhà tuyển dụng.

Một phong thái tự tin, một nguồn kiến thức đã chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là hành trang giúp bạn đối mặt với bất kỳ nhà tuyển dụng nào.