Pin năng lượng mặt trời gây ô nhiễm môi trường 

Đây là một hiểu lầm hết sức phổ biến và tai hại của người dân, xuất phát từ trăn trở của các chuyên gia khi lo ngại rằng đầu tư hàng loạt nhà máy điện mặt trời sẽ gây ra hệ lụy cho môi trường với các tấm pin không được xử lý.

Lo ngại này là đúng và có cơ sở bởi nếu tính trung bình mỗi tấm pin mặt trời có công suất 300W và nặng 15kg thì với tổng công suất 505 GW, cần khoảng 1,7 tỷ tấm pin, tương đương 25,5 triệu tấn vật liệu. Từ dự báo công suất điện mặt trời, đến năm 2030 sẽ có 131 triệu tấn vật liệu rác thải pin mặt trời và con số này sẽ lên đến 323 triệu tấn vào năm 2050.

{keywords}
Lo ngại các tấm pin năng lượng mặt trời có thể gây ô nhiễm môi trường

Tuy vậy, việc tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời là hoàn toàn khả thi và hiện đạt tỷ lệ thu hồi tới 96% ở các nước châu Âu. Tại Việt Nam, do thị trường mới chỉ bùng nổ trong khoảng thời gian gần đây trong khi các tấm pin năng lượng mặt trời có thời hạn sử dụng lên tới 20 năm, vì vậy việc tái chế là chưa cần thiết vào thời điểm này.

Dù vậy, qua câu chuyện nói trên, một số doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về công nghệ tái chế, và do đó người dân có thể yên tâm rằng trong vòng 20 năm tới Việt Nam hoàn toàn có thể tự tái chế các tấm pin tại chỗ. 

Mưa đá làm hỏng tấm pin năng lượng mặt trời

Các tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm phơi nắng gió hàng chục năm liền, do đó các nhà sản xuất đã có những kiểm nghiệm tương đối khắt khe về khả năng chịu nhiệt, chống va đập, tiếp xúc với tia UV, bị đóng băng, bị ăn mòn và cả thử nghiệm tác động của mưa đá.

Theo đó, các tấm pin năng lượng mặt trời có khả năng chống chịu được các loại mưa đá kích thước cỡ 2,5cm và có thể bị hư hỏng nếu mưa đá có kích thước lớn hơn 5cm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan và bất thường hoàn toàn có thể gây hư hại cho toàn bộ căn nhà, chứ không riêng gì các tấm pin đặt trên mái.

{keywords}
Mưa đá cỡ lớn có thể gây hư hỏng cho các tấm pin năng lượng mặt trời

Ngoài ra, các tấm pin năng lượng mặt trời thường được bảo hành lên tới 10 năm còn các trận mưa đá là hiện tượng thời tiết bất thường không thường xuyên xảy ra ở nước ta. Do đó, người dân không nên quá lo lắng về vấn đề này. 

Thực tế, trong đợt mưa bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, các hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng cho biết, hệ thống của họ không gặp phải sự cố nào. Đây là các hộ dân được hưởng ưu đãi của chương trình Hỗ trợ thí điểm do GreenID phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng triển khai từ tháng 09/2020. 

Hiệu suất điện mặt trời rất thấp 

Theo một số khảo sát, hiệu suất tạo ra năng lượng của điện gió là 40%, nhiên liệu hóa thạch là 35%, còn hiệu suất chuyển đổi của năng lượng mặt trời là khoảng 20%. Mặc dù các nhà sản xuất đang tìm các cải tiến vật liệu để gia tăng hiệu suất, nhưng con số này khiến nhiều người phản đối cho rằng đây là một sự lãng phí.

Tuy nhiên, thực tế là năng lượng mặt trời được chuyển hóa trực tiếp thành điện, không tốn thời gian và công sức, do đó tính hiệu quả và thân thiện môi trường của nó vẫn là rất cao. Lấy ví dụ với than đá, nguồn tài nguyên này không tự nhiên mà có, nó phải trải qua quá trình hóa năng dưới sự tác động của nhiệt độ và áp suất cao trong hàng triệu năm mới hình thành nên. Điều này là không thể so sánh được với ánh nắng mặt trời vốn tự nhiên và gần như vô hạn.

Các nước châu Âu không sử dụng điện mặt trời

Hiểu biết này cơ bản là chưa đầy đủ. Theo Global Solar Atlas, số giờ nắng của khu vực châu Âu là rất thấp và gần như không có với các nước ở khu vực Bắc Âu. Các nước có số giờ nắng cao là một số nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Ý.

Điều này lý giải vì sao những nước phát triển như Đức, Pháp hay Anh không đầu tư điện mặt trời mà tập trung vào các nguồn điện khác như hạt nhân hay địa nhiệt.

Trong khi đó, các số liệu về giờ nắng trong năm, cường độ bức xạ mặt trời đều cho thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Điều này cũng là đúng với các nước châu Á khác như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Ánh nắng mặt trời có sẵn, việc đầu tư không tốn kém, có thể triển khai mau chóng, do đó rất phù hợp để triển khai ở Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ.

Đầu tư điện mặt trời không có lời

Việc đầu tư điện mặt trời có thời gian hoàn vốn chỉ từ 4-5 năm, thu về tiền lãi (tiền bán điện cho EVN trừ đi số tiền điện tiêu thụ) gấp 3 lần tiếc gốc bỏ ra sau 20 năm. Đây là những tính toán có cơ sở được các chuyên gia trong lĩnh vực này đưa ra số liệu cụ thể từ lâu. 

Tuy thế, người dân hiện nay vẫn còn e dè vì nhiều lý do nêu trên, đồng thời phản bác rằng đầu tư vào lĩnh vực khác có lời cao hơn. 

{keywords}
Tính toán hiệu quả kinh tế khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà

Thực tế, suy nghĩ này không sai nhưng không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Mục tiêu của điện mặt trời mái nhà chính là giảm áp lực tại chỗ cho ngành điện, giảm áp lực đầu tư phụ tải, từ đó giảm nhu cầu đầu tư nâng cấp tải điện vào giờ cao điểm (nhất là mùa nắng nóng). Điện mặt trời được đầu tư một cách đồng bộ, trải đều khắp cả nước sẽ góp phần đáng kể vào lợi ích chung là đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia. Đây là những điều mà đầu tư vào những lĩnh vực khác không thể làm được.

Phương Nguyễn

Những hiểu lầm tai hại của người Việt về tiết kiệm năng lượng

Những hiểu lầm tai hại của người Việt về tiết kiệm năng lượng

Rút phích cắm, sử dụng xăng, điều hòa và nhiều quan điểm phổ biến của người Việt về tiết kiệm năng lượng là hết sức sai lầm.