Phim ảnh đã cho chúng ta một cái nhìn sai lệch về bom, mìn và thiết bị gây nổ.
Cảnh thường thấy nhất, đó là khi đang thong dong trong rừng, bỗng nghe thấy một tiếng "click" nhẹ: đã có người dẫm phải mìn rồi. Thế là người đó cố gắng tìm một vật nặng, nhanh chóng rút chân ra rồi đặt vật nặng vào. Thế là thoát nạn!
Trong thực tế, chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Dẫm phải mìn thì 90% là bỏ mạng, mà bạn cũng không thể dùng tốc độ chạy thần thánh của một người bình thường để thoát khỏi bán kính vụ nổ hay chạy nhanh hơn tốc độ kíp nổ kích hoạt quả mìn đâu! Nếu thế thì mìn đã vô tác dụng.
Dưới đây là tổng hợp những quan niệm sai lầm như vậy, trích từ cuốn Mìn, chất nổ còn sót lại sau chiến tranh và bom tự chế - Cẩm nang An toàn do Liên Hợp Quốc ban hành.
Quan niệm: Vùng có mìn này đã được người khác đi trên đó rồi, bạn sẽ có thể an toàn đi trên đó mà không lo lắng gì.
Sự thật: Sau thời gian dài bom, mìn nằm dưới lòng đất, độ nhạy của chúng có thể bị thay đổi do yếu tố thời tiết. Vì thế, sẽ cần nhiều hơn một lần dẫm chân để một quả mìn, một quả bom bị kích hoạt và phát nổ.
Quan niệm: Bạn có thể tránh bị thương nếu như nhanh chóng chạy/lái xe khỏi khu vực quả mìn.
Sự thật: Bạn không thể chạy thoát được tốc độ kích hoạt của kíp nổ quả mìn cũng như sóng xung kích mà quả mìn này tạo ra. Bạn sẽ bỏ mạng, hoặc ít nhất là bị thương nặng – mìn tạo ra là để gây sát thương, không phải là nổ cho vui tai.
Quan niệm: mìn, bom sẽ "hết hạn" sau một thời gian nằm trong đất.
Sự thật: Đa số mìn, bom đạn còn sót lại sau chiến tranh vẫn hoạt động sau hàng thập kỷ, rất lâu sau khi trận chiến qua đi. Trong nhiều trường hợp, mìn có vỏ nhựa và hoàn toàn chống nước. Chúng có thể tồn tại được rất rất lâu.
Quan niệm: cắt được sợi dây kích hoạt mìn (bạn hãy nghĩ đến đoạn dây được căng ra với một đầu gắn thiết bị gây nổ, có người chẳng may vấp phải, chúng sẽ kích hoạt thiết bị gây nổ kia), là mọi thứ sẽ êm xuôi.
Sự thật: Những sợi dây như thế cực kì nhạy, chỉ cần chạm nhẹ hoặc mất đi độ căng, chúng đã có thể kích hoạt được thiết bị gây nổ rồi. Nếu không có chuyên gia xử lý thì tốt nhất là đừng chạm vào.
Quan niệm: nếu như phát hiện sớm được thiết bị gây nổ, mang chúng đi chỗ khác là bạn hay những người khác sẽ an toàn.
Sự thật: ĐỪNG BAO GIỜ chạm vào chúng. Những thiết bị gây nổ có thể được kích hoạt chỉ với những rung chuyển nhỏ nhất. Có những loại bom mà chỉ cần chạm nhẹ, chúng đã được kích hoạt rồi.
Quan niệm: Dùng lửa đốt một khu vực sẽ loại bỏ được toàn bộ bom, mìn hay chất gây nổ còn sót lại.
Sự thật: Dựa vào lửa để tiêu hủy bom không phải là biện pháp hữu hiệu. Nhiều khi, nó còn khiến cho những thiết bị nổ ấy nhạy cảm hơn.
Quan niệm: vũ khí, đạn dược nếu không được sử dụng trong thời gian dài, chúng sẽ không gây nguy hiểm.
Sự thật: quân nhu thông thường nếu bị bỏ mặc ngoài môi trường, chúng sẽ trở nên cực kì bất ổn. Nếu gặp nhiệt, chúng sẽ trở nên cực kì nhạy và nhiều khả năng sẽ phát nổ. Đạn dược để lâu ngày hoàn toàn có thể phát nổ trong quá trình vận chuyển không cẩn thận.
Quan niệm: Thả vật nuôi ra đồng sẽ là cách kiểm tra tốt. Nếu như cánh đồng ấy có gia súc gia cầm sinh sống, nó sẽ an toàn.
Sự thật: Ở nhiều vùng làng mạc, đây vẫn là cách người dân kiểm tra bom mìn còn sót lại trên đồng. Tuy nhiên, cách này không an toàn. Có thể nó sẽ kích hoạt được một vài phần bom mìn còn sót lại, nhưng không phải là tất cả.
Quan niệm: Nếu một con đường đã được sử dụng trong 6 tháng trở lại đây mà không có vấn đề gì, nó sẽ an toàn.
Sự thật: Phương tiện di chuyển liên tục trên bề mặt đường sẽ khiến bom mìn được chôn sâu bên dưới trồi lên trên.
Quan niệm: Mìn thường được rải theo những đường nhất định để tạo thành một hàng rào phòng vệ.
Sự thật: Có những đơn vị quân đội tiến hành triển khai mìn theo một hàng lối nhất định, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Bên cạnh đó, không thể chắc chắn được đâu là điểm đầu, đâu là điểm cuối của một bãi mìnm, nhất là những khu vực tranh chấp không rõ ràng (nội chiến, chiến tranh giành giật lãnh thổ xảy ra liên miên, ...).
Theo GenK