Chọn sai thời điểm.

Thời điểm tiếp xúc với nhà đầu tư rất quan trọng, thời điểm được xem là thích hợp khi Startup có trong tay những yếu tố có thể thuyết phục được nhà đầu tư. Những yếu tố đó có thể là những con số nghiên cứu thị trường, bản kế hoạch kinh doanh, hợp đồng đã ký với khách hàng, nguồn nhân lực chất lượng, biểu đồ tăng trưởng v.v.. Tất cả chỉ nhằm một mục đích duy nhất, chứng minh sự đúng đắn của dự án và thuyết phục nhà đầu tư rót vốn cho dự án. Nếu khởi nghiệp viên chưa có trong tay những yếu tố trên hoặc có nhưng chưa đủ thuyết phục, hãy chờ đợi và tiếp tục hoàn thiện dự án trước khi tiếp xúc với bất kỳ nhà đầu tư chuyên nghiệp nào.

Tiếp cận không đúng cách.

Nhà đầu tư tiếp xúc với hàng nghìn dự án trong năm, thật khó để làm cho dự án của Startup trở nên nổi bật và được chú ý đến. Tìm cách tiếp cận với nhà đầu tư thông qua một lời giới thiệu hoặc đề xuất từ một người có uy tín là cách làm thông minh.Vì vậy, nếu có thể hãy sử dụng mạng xã hội LinkedIn dành cho doanh nghiệp, tìm những mối quan hệ cần thiết để tiếp cận nhà đầu tư. Nếu không có những mối quan hệ này, tỷ lệ thành công của Startup khi tiếp cận với nhà đầu tư là không cao, tuy nhiên nếu không còn cách nào khác ngoài cách truyền thống, khởi nghiệp viên hãy cố gắng phát triển sản phẩm và tìm cách đưa thông tin của dự án tới nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp và tự tin nhất.

Truyền đạt nội dung không đúng cách.

Việc truyền đạt ý tưởng của Startup đến nhà đầu tư cũng rất quan trọng. Hầu hết, Startup sẽ gửi email đến nhà đầu tư để họ xem xét ý tưởng của dự án và bản thân khởi nghiệp viên. Vì vậy, khởi nghiệp viên cần chú ý đến những gì nhà đầu tư có thể tìm kiếm trên internet như: Facebook, Twitter hoặc hồ sơ cá nhân trên LinkedIn v.v..Hãy chắc chắn rằng tất cả thông tin trên internet về cá nhân và dự án có thể tạo được niềm tin ban đầu cho nhà đầu tư.

Nội dung email cũng là vấn đề đáng lưu ý, nếu nhà đầu tư không thể hiểu Startup trong khoảng 30 giây đầu tiên đọc email, khả năng thành công của Startup là rất thấp. Đó gọi là khả năng tập trung ngắn hạn. Thay vì viết những email dài dòng, khởi nghiệp viên nên viết những dòng ngắn gọn, chứa đủ ý muốn diễn đạt và cố gắng cho nhà đầu tư thấy được tính thực tiễn của dự án.

Ví dụ Startup có thể viết như sau: “Website ABC của chúng tôi được xếp hạng cao nhất trong ngành công nghiệp du lịch trị giá 10 tỷ USD với hàng triệu lượt truy cập trong tháng, chúng tôi có quan hệ đối tác với National Graphic. Doanh thu của chúng tôi tăng trưởng 50% mỗi năm. Hiện tại chúng tôi đang cần huy động vốn để phát triển và có thể hoàn vốn cho nhà đầu tư gấp nhiều lần. Chúng tôi có đính kèm bản tóm tắt chi tiết mô hình kinh doanh và hy vọng quý vị cảm thấy hứng thú với đề án của chúng tôi”. Đó là những nội dung cơ bản mà khởi nghiệp viên nên nêu, bao gồm thông tin chi tiết về: 1. Mô tả công việc kinh doanh và vị trí dẫn đầu thị trường của mình; 2. Quy mô tăng trưởng của ngành liên quan đến dự án; 3. Đánh dấu thương hiệu đối tác chiến lược; 4. Cho thấy dự án đang tăng trưởng , 5. Cơ hội tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư; 6. Mong muốn gặp gỡ nhà đầu tư.

Đối với tài liệu đính kèm: Bức thư bày tỏ nguyện vọng là điều bắt buộc, kèm theo đó là bản tóm tắt mô hình kinh doanh khoảng 1 - 2 trang hoặc 10 slide trình chiếu. Khởi nghiệp viên không nên gửi thêm bất kỳ thông tin khác vì nó chưa thật sự cần thiết vào thời điểm ban đầu. Chắc chắn nhà đầu tư sẽ cần thêm nhiều thông tin trong quá trình thẩm định, vì vậy khởi nghiệp viên nên dành thời gian chuẩn bị một bản kế hoạch phát triển đầy đủ, một bản trình chiếu chuyên nghiệp và kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Nên nhớ, khởi nghiệp viên chỉ có một cơ hội để lại ấn tượng với nhà đầu tư trong lần tiếp xúc đầu tiên, đừng biến nó trở nên vô nghĩa.