Madeira, Bồ Đào Nha: Những du khách từng tới Madeira đều biết rằng máy bay rất khó hạ cánh ở hòn đảo này nổi tiếng này. Sân bay ở đây nằm gần núi có địa hình cao khiến máy bay thường xuyên gặp nhiễu loạn bởi gió cắt qua. Đồng thời, đường băng kết thúc ở hai bên mép vách đá được cho là càng làm khó các phi công. 

Leh, Ấn Độ: Sân bay Leh nằm ở độ cao gần 3.300 m so với mực nước biển và là sân bay cao thứ 23 trên thế giới. Đường băng ở đây ngắn, được bao quanh bởi những ngọn núi, sức gió mạnh vào buổi chiều. Điều đó có nghĩa các chuyến bay bị hạn chế, chỉ có thể cất và hạ cánh vào buổi sáng. Máy bay thân rộng và hạng nặng không được phép đến đây. Tất cả phi công đều phải được đào tạo đặc biệt nếu muốn hạ cánh tại sân bay này.

Sint Maarten: Do địa hình gồ ghề, sân bay quốc tế Princess Juliana phải đặt sát bãi biển Maho, nơi một lượng du khách lớn đến nghỉ mát mỗi ngày. Nhiều trường hợp máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Princess Juliana chỉ cách đầu người trên bãi biển khoảng 10-20 m. Động cơ phản lực của phi cơ lúc chuẩn bị cất cánh dễ dàng thổi bay du khách đứng cạnh hàng rào ngăn cách sân bay và bãi biển. 

Paro, Bhutan: Nằm ở độ cao hơn 2.200 m so với mực nước biển, Paro là sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan. Tuy nhiên, do địa hình khắc nghiệt, thời tiết bất lợi, sân bay chỉ hoạt động vào ban ngày khi có đủ có yếu tố đảm bảo. Phi công đến đây phải tiếp cận mặt đất theo cách thủ công vì không có radar, len lỏi giữa đồi núi và những ngôi nhà trước khi gặp đường băng. 

Innsbruck, Áo: Được bao phủ bởi những ngọn núi hiểm trở, thủ đô Tyrol là điểm đến trượt tuyết hàng đầu châu Âu. Đường bay ở đây mang đến thử thách cho các phi công. Máy bay phải hạ dần độ cao từ gần 2.500 m. Phi công phải đối phó với gió giật dữ dội từ các ngọn núi xung quanh và tùy chỉnh máy bay để hạ cánh đúng vị trí tại thung lũng.

Congonha, Brazil: Sân bay nội địa của São Paulo từng gặp sự cố về hệ thống thoát nước nghiêm trọng đến mức khiến một người thiệt mạng vào năm 2007. Sau đó, đường băng đã được dải nhựa lại để khắc phục sự cố, nhưng việc hạ cánh tại đây vẫn khiến nhiều phi công e ngại. Chỉ cách trung tâm thành phố vài km, đây cũng là sân bay duy nhất ở São Paulo, được đưa vào sử dụng từ những năm 1930. Xung quanh sân bay là những khu dân cư đông đúc với nhà cửa san sát.

Lukla, Nepal: Đây là nơi du khách đáp xuống trước khi bắt đầu hành trình chinh phục Everest. Nơi đây thường được gọi là sân bay nguy hiểm nhất thế giới với đường băng nằm trên một vách đá giữa các ngọn núi, đoạn cuối tiếp giáp với vực thẳng đứng. Đường băng sân bay chỉ dài 527 m, có độ dốc gần 12% giúp máy bay giảm tốc độ. 

St. Helena: Khi mới xây dựng, nhiều người gọi sân bay trên hòn đảo St. Helena giữa Đại Tây Dương là nơi "vô dụng nhất thế giới". Quá trình xây dựng gặp nhiều thách thức bởi hòn đảo không có đủ bề mặt phẳng để đáp ứng chiều dài sân bay 1,95 km cần thiết. Sân bay quá nguy hiểm để máy bay hạ cánh do sức gió mạnh. Ngày nay, St. Helena đã đi vào hoạt động và được xếp loại C. Phi công phải được huấn luyện đặc biệt để hạ cánh an toàn. 

Tổng hợp