- "Tiếc vì....tội phạm quá thông minh". Đây là tâm tư của cả thầy và trò nhóm sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân giành giải nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014.

Nhóm sinh viên gồm có Trần Phương Thảo, Nguyễn Trung Nghĩa, Đỗ Thị Thúy, sinh viên ngành cảnh sát kinh tế, với giảng viên hướng dẫn là Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức. Đề tài của nhóm là Đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội.

Chạy đua với loại tội phạm “luôn luôn đi trước”

Hiện nay tội phạm công nghệ cao đang rất phát triển, sử dụng ứng dụng CNTT mang lại để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ lợi ích riêng của mình.

“Điều cấp thiết là đưa ra được giải pháp để phòng ngừa, nhất là phòng ngừa trong xã hội, để tự mỗi người tự xây dựng được cho mình biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này” – Trần Phương Thảo cho biết về lý do nhóm lựa chọn đề tài này để nghiên cứu.

{keywords}

Từ trái qua phải: Trần Phương Thảo, Nguyễn Trung Nghĩa, TS Nguyễn Minh Đức, Đỗ Thị Thúy

Trong quá trình thu thập thông tin thực hiện đề tài, nhóm đã tìm đến các trại tạm giam, theo chân điều tra viên để tìm hiểu tâm lý, quá trình phạm tội. Tìm đọc các bản báo cáo tổng kết của tổng cục cảnh sát, lấy số liệu, tìm hiểu ứng dụng CNTT phổ biến nhất… Có khi nạn nhân ở Việt Nam nhưng tội phạm lại ở nước ngoài. Ngoài thầy cô, nhóm còn tìm tới các đơn vị phòng chống tội phạm để tìm thông tin.

“Muốn đưa ra biện pháp phòng nừa phải hiểu thủ đoạn. Mà khó khăn nổi bật nhất của đề tài này chính là việc đây là loại tội phạm mới, phi truyền thống, sử dụng CNTT chứ không phải gươm dao, súng ống, nên việc tìm hiểu nghiên cứu thủ đoạn phạm tội không đơn giản”.

“Ai cũng sử dụng smartphone. Chỉ bật máy lên, vào mạng hay sử dụng ứng đụng dịnh vị là nghiễm nhiên có khả năng trở thành nạn nhân bị xâm hại và chiếm đoạt tài sản.

Nhiều người đã bị lừa khá dễ dàng.

Điều khó khăn nhất với 3 thành viên là luôn phải cập nhật kiến thức mới khi lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển hàng ngày hàng giờ.

“Đây là loại tội phạm luôn đi trước. Những tội phạm này có khi là những trí thức, như sinh viên ngành CNTT, họ hiểu biết cả pháp luật, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực CNTT. Vì vậy, chúng tôi phải tự trang bị cho mình sự hiểu biết để không bị lép vế trước tội phạm, để khi họ nhìn vào thấy lực lượng công an cũng nắm chắc các kiến thức đó mà ngăn chặn hành vi phạm tội”.

"Nhiều khi chúng tôi thấy tiếc…"

Các biện pháp phòng ngừa trong xã hội mà nhóm nghiên cứu đề xuất gồm có: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân; Tuyên truyền cho khối doanh nghiệp và những người làm ăn, giao dịch thông qua thương mại điện tử, chuyển khoản.

Khuyến nghị cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt kín mọi sơ hở, triệt tiêu mọi nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm.

Vấn đề nữa là Nhà nước đầu tư đào tạo lĩnh vực quản trị mạng, thực hiện tốt công tác quản trị. Đồng thời khuyến nghị các cơ quan chức năng và truyền thống hàng ngày hàng giờ cập nhật các phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà cả thầy và trò đều cảm thấy tiếc nuối và mong muốn sớm có biện pháp giải quyết.

Đại tá Nguyễn Minh Đức cho biết dạng tội phạm internet 70% nằm ở độ tuổi từ 18 – 30. Đây là những người giỏi, “và người giỏi thường tò mò, thích chinh phục, đặc biệt khi họ cho rằng họ có khả năng trốn tránh được vì mạng là môi trường ảo, mà không nghĩ rằng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, việc truy tìm không có gì khó khăn”.

Còn Phương Thảo thì bày tỏ: “Có nhiều người trẻ tuổi, chỉ tầm tuổi chúng tôi, nhưng sự hiểu biết về CNTT rất chuyên nghiệp. Khi nhìn vào đó có cảm giác tiếc nuối vì họ thực sự là những người có khả năng. Vậy mà họ đã không sự dụng hiểu biết đó để phục vụ cho xã hội. Hầu hết là do hám lợi mà vi phạm pháp luật”.

Vì vậy, điều nhóm nghiên cứu mong muốn nhất, chính là các cơ quan chức năng có chính sách phối hợp từ nhà trường, xã hội, gia đình để nắm được đối tượng trẻ có trình độ CNTT, giáo dục ý thức chính trị, ý thức công dân của họ để họ làm những việc có ích cho đời từ chính trình độ của họ. Không để,  dù vô hình hay hữu ý, những người trẻ có khả năng này lại sớm trở thành một tội phạm.

Sáng ngày 15/1, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014.

Có 11 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được trao giải nhất, và 5 đề tài của giảng viên đoạt giải nhất.

121 sinh viên và nhóm sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất, nhì, ba được nhận bằng khen của Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, với số tiền thưởng 5 triệu đồng mỗi đề tài đối với giải nhất, 3 triệu đồng mỗi đề tài cho giải nhì và 2 triệu đồng cho mỗi đề tài đạt giải ba.

{keywords}

16 giảng viên và nhóm giảng viên thực hiện 16 đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất, nhì cũng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kèm theo mức thưởng 7 triệu đồng mỗi đề tài với giải nhất và 5 triệu đồng mỗi đề tài với giải nhì.

Được biết, năm nay số lượng sinh viên tham gia  cuộc thi đã tăng 15% so với kỳ trước. Đã có tổng số 293 đề tài của sinh viên đến từ 81 trường ĐH được tham gia xét giải. Số công trình của giảng viên là 107, đến từ 23 trường ĐH.

Ngân Anh