-Hơn bao giờ hết, cần ý thức sâu sắc rằng, muốn nước mạnh, muốn an ninh quốc gia được đảm bảo, cần nuôi dưỡng những "sư đoàn nhà khoa học" ngay trên ghế nhà trường.

Khoa học và an ninh quốc gia 

Từ thế kỷ 18, nước Anh đã chinh phục đại dương bởi những con tàu chạy bằng hơi nước và dần mở rộng thuộc địa sang Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi.

Cuộc cách mạng công nghiệp Anh đã làm thay đổi cấu trúc lao động trong xã hội và mọi tiềm năng trong xã hội được đánh thức. Nông dân vào làm việc ở các nhà máy, SV thực nghiệm tại các phòng thí nghiệm, các nhà lập thuyết kinh tế, triết học, nhà văn, nhà vật lý... tranh đua đưa các sản phẩm ra xã hội. Khoa học đã tạo nên sức mạnh của nước Anh từ thế kỷ 18 đến nay, sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị nước Anh luôn thuộc TOP 10 thế giới.  

Từ giữa thế kỷ 19, nước Nhật mở cửa giao thương với Mỹ và Phương Tây.  Họ mua tàu thủy của Mỹ để tăng sức mạnh hải quân. Những thập niên kế tiếp, người Nhật sang Anh để học về hải quân và công nghiệp đóng tàu.  Trong trận chiến năm 1905, hải quân Nhật Bản đã chiến thắng hải quân Nga. Với nền tảng khoa học hơn 100 năm, nước Nhật chiếm ngôi vị đứng đầu Châu Á trong nhiều thập niên qua.  

Nước Mỹ, vốn được hưởng lợi từ nền khoa học của nước Anh, Pháp, Đức, song hành với thể chế dân chủ, đã khai thác triệt để tiềm năng và đam mê của công dân thúc đẩy nền khoa học công nghệ luôn dẫn đầu thế giới. Các chiến lược gia quân sự thế giới của thế kỷ trước đã từng nhận định rằng "Ai làm chủ đại dương, quốc gia đó sẽ bá chủ thế giới trong thế kỷ 20" và người Mỹ đã làm được điều đó.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, người ta lại đưa ra một nhận định khác "Ai làm chủ được không gian, quốc gia đó sẽ bá chủ thế giới" và người Mỹ  luôn giữ vị trí cân bằng với người Nga từ sau "khoảnh khắc Sputnik".

{keywords}
Học sinh trường THPT Marie Curie -TP.HCM, thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: VNN

Một quốc gia được tái lập sau 2.000 năm vong quốc là Israel đã được thế giới kính nể, bởi chỉ sau nửa thế kỷ phục quốc, nhờ lấy phát triển khoa học công nghệ làm xương sống phát triển cho đất nước, họ đã có những bước nhảy thần kỳ.  Người đã thực chứng rằng bất cứ sản phẩm nào của Israel khi đưa ra chợ thế giới đều có sự tích hợp của khoa học công nghệ như cà chua năng suất cao nhờ công nghệ sinh học, những cánh đồng xanh tươi trên hoang mạc, các thiết bị nông nghiệp, vũ khí công nghệ cao... Nhờ sức mạnh của khoa học công nghệ quân sự vượt trội mà lân bang thù địch của Israel như Ai Cập, Syria, Gordan không còn dám gây hấn kể từ năm 1967.  

Từ các điển hình nêu trên cho thấy sự phát triển của mỗi quốc gia được đảm bảo nhờ nền khoa học công nghệ phát triển, nhờ những "chiến binh" khoa học dũng cảm chinh phục đỉnh cao sáng tạo để phụng sự Tổ quốc và nhân loại. 

Đam mê khoa học, nhìn từ... hiệu sách 

Học sinh nhiều nước tiên tiến được tiếp cận các sách khoa học và được thực nghiệm khoa học ngay từ tiểu học.  Tìm hiểu trên Internet, chúng ta dễ dàng thấy hàng trăm clip mô tả quy trình chế tạo các sản phẩm dành cho mọi lứa tuổi bằng tiếng Anh.  

Ở Việt Nam thì sao? 40 năm qua hệ thống thư viện trường học  dường như án binh bất động. Ngoài SGK, bình quân mỗi học sinh nông thôn chỉ đọc một vài đầu sách trong một năm học.  Trong các đầu sách ấy, đương nhiên không có những bộ sách như Tập làm nhà phát minh mới xuất hiện ở vài thành phố lớn trong  những năm gần đây.

Ngay ở các hiệu sách, tìm tấm biển Sách khoa học hay Sách phổ biến khoa học ở các khu vực dành cho sách thiếu nhi đã là việc khó khăn. Thật oái oăm khi người đi mua sách phải mất nhiều thời gian để hỏi người bán sách "Sách khoa học dành cho học sinh ở góc nào?". Đây cũng là một chỉ số phản ánh tính yếu về khoa học của nhà sách vì việc thiếu phân vùng đặc thù cho từng nhóm sách là thiếu tư duy khoa học về marketing, bởi người mua thường bị hấp dẫn bởi các biểu tượng và thông điệp rõ ràng.  

Bởi thế, thật không có gì quá đáng khi một nhà nghiên cứu xã hội phát biểu: "Niềm đam mê khoa học của người Việt đã chết do thiếu sách khoa học và thiếu tấm biển ở hiệu sách" vì sách khoa học là đầu vào phải có để nuôi dưỡng đam mê và thực nghiệm cho con trẻ, mà vẫn thiếu hụt và khó tiếp cận như  như hiện nay thì nuôi dưỡng đam mê ở đâu?

Chúng ta thường đưa ra những mục tiêu lớn với những khẩu hiệu lớn, và nhiều người có ý tưởng nhưng không chịu làm việc nhỏ để hiện thực việc lớn đó.  Một mặt cắt đại diện mà chúng ta đã và đang phải đối mặt thường xuyên là nhập siêu các mặt hàng từ giản đơn đến công nghệ cao ngày càng tăng, một thước đo sự xuống dốc của sản phẩm khoa học chất lượng cao.  

Có lẽ, việc có thể làm sớm và nhanh nhất là phải dịch sách khoa học của những nước phát triển phổ biến cho các độ tuổi khác nhau, thiết lập các CLB khoa học từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, để nuôi dưỡng đam mê và tuyển mộ các khoa học gia cho đất nước.  

Hơn bao giờ hết, cần ý thức sâu sắc rằng phải nuôi dưỡng những "sư đoàn nhà khoa học" ngay trên ghế nhà trường.  

Nguyễn Quang Thạch

Ông Nguyễn Quang Thạch là người đã từng dành nhiều năm đưa sách về nông thôn thông qua Chương trình sách hóa nông thôn.