Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà là cuốn sách mới về Bác Hồ và những nhân vật lỗi lạc thời đại Hồ Chí Minh gắn với việc đọc sách và tự học suốt đời. 

Sách được xuất bản lần đầu năm 2016 và đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận và lần này Nhà sách Tân Việt quyết định cho tái bản có bổ sung thêm một số bài viết liên quan đến việc đọc sách và tự học của Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn.

{keywords}

Cuốn sách Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh dày 250 trang được chia thành hai phần, trong đó phần một viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nguồn tư liệu dồi dào, tác giả khẳng định vai trò của việc tự học và đọc sách báo đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ; nêu rõ sự chú trọng đặc biệt của Người trong việc khuyến đọc, xây dựng nơi đọc sách báo cho nhân dân, khuyến khích mọi người thực hiện việc học suốt đời với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách báo chính là người bạn đường tri kỷ. Từ khi còn nhỏ, Bác đã ham đọc sách, chỉ cần có thời gian là Người tìm đến sách để mở mang kiến thức, tìm hiểu thế giới. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác là tấm gương sáng về tự học với những nỗ lực phi thường. Trong những năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, dù phải làm những việc vất vả để kiếm sống, nhưng Bác luôn dành thời gian cho đọc sách và tự học. Bác cho rằng, đọc sách phải có phương pháp mới hiệu quả. 

Trong bài Cách viết, Người từng căn dặn "Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được thì chép lấy để dùng, để viết". Vì vậy, khi đọc sách, báo thấy cái gì hay Bác ghi chép rất cẩn thận; cái gì chưa hiểu, Bác cũng gạch chân để tìm hiểu cho kỹ. Nhưng điều còn quan trọng hơn ở Bác, đó là sự vận dụng tài tình những điều đã học và đã đọc vào thực tế. Bác còn rất coi trọng việc học ngoại ngữ. Bác có thể nói được 29 thứ tiếng. Trong đó, có những thứ tiếng Bác rất uyên thâm. Sau này, khi tuổi đã cao, Bác vẫn không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Điểm mới của lần xuất bản này là tác giả có bổ sung bài viết về những kỷ niệm và lời căn dặn của Bác Hồ đối với các cháu thanh thiếu niên.

Ở phần hai, tác giả viết về 8 nhân vật lỗi lạc gồm: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng và Hoàng Tụy. Đây là những nhà hoạt động cách mạng, các trí thức tiêu biểu cho những lĩnh vực khoa học khác nhau của Việt Nam và đều đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học có giá trị đóng góp cho đất nước.

Tác giả đã dày công tìm hiểu và hệ thống hóa các tư liệu, giới thiệu phương pháp đọc và tự học của các danh nhân nói trên nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quan và áp dụng phù hợp với công việc, lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh ngoài giá trị lịch sử, giá trị tư liệu, sách còn còn là tài liệu tham khảo hữu ích giúp cho độc giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên muốn trau dồi phát triển phương pháp đọc và tự học thông qua các bài học từ các tấm gương trên.

T.Lê