Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng, dân số khoảng 6 triệu người, gồm 47 dân tộc anh em cùng cư trú. Theo thống kê của cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.433 già làng, người có uy tín. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk 1.021 người, Gia Lai 955, Kon Tum 678, Đắk Nông 300 và Lâm Đồng 479.

Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào DTTS & MN đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình với cộng đồng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; tham gia đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Lời nói, việc làm của người uy tín tiêu biểu ở vùng đồng bào DTTS & MN có sự tác động tích cực trong các tầng lớp nhân dân, trở thành “điểm tựa tinh thần của cộng đồng", địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Bon Yo Soan nhìn nhận: “Qua theo dõi, người có uy tín, tiêu biểu, nhân sĩ trí thức trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được trẻ hóa, phần lớn có trình độ, trách nhiệm, tâm huyết; lập trường, tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền; chủ động học tập, sáng tạo nâng cao trình độ, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Họ thật sự là điểm tựa của buôn làng, niềm tin của Đảng và Nhà nước”.

Vai trò của già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức trong đồng bào dân tộc đã được khẳng định. Họ là những tấm gương mẫu mực, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm và có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. “Đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, những năm qua, đội ngũ này đã không quản ngại khó khăn, đi từng ngõ, đến từng nhà vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; đoàn kết xây dựng buôn làng phát triển”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông Hà Thị Hạnh cho biết.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, thời gian qua, tại một số địa phương, việc phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín phát huy vai trò còn lúng túng, có tình trạng chồng chéo giữa cơ quan mặt trận, dân vận, dân tộc… dẫn đến trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng người có uy tín cần vận động, tranh thủ. “Vai trò, vị trí của người có uy tín đã được xác định, nhưng các chế độ, chính sách chưa phù hợp, tương xứng; thiếu quy chế phối hợp giữa người có uy tín với cấp ủy, trưởng thôn, ban công tác mặt trận và tổ chức đoàn thể, nên chưa phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của họ, giảm hiệu quả công tác giám sát của cấp ủy, chính quyền trong quá trình triển khai chế độ, chính sách tới người dân”, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Hà Huy Quang nhìn nhận.

Già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức là những người “truyền lửa”, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đánh giá đúng vị trí, vai trò, sức ảnh hưởng của họ và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, sẽ góp phần quan trọng trong việc “tiếp lửa”, để đội ngũ này phát huy tốt hơn “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển của buôn làng, địa phương.

Vĩính Sang, Kiều Oanh, Huyền Sâm, Trần Chung, Hồng Hạnh