W-bdbp-son-la-tuan-tra-3.jpg
BĐBP Sơn La cùng nhân dân địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra cột mốc biên giới. 

Vừa đi làm nương vừa kiểm tra cột mốc

Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi làm nương hay chăn thả gia súc thì anh Vì Văn Chiến (SN 1983) ở bản Nà Cài, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La lại tranh thủ lên đường biên giới để kiểm tra cột mốc.

Việc làm này đã được anh duy trì từ lâu và trở thành thói quen hàng ngày, nhất là từ sau khi hai nước Việt Nam – Lào hoàn thành, tôn tạo tăng dầy mốc quốc giới; đồng thời thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bản Nà Cài nên anh Chiến hiểu rất rõ nếp sống, sinh hoạt của bà con nhân dân nơi đây. Là người hiểu biết lại có tinh thần trách nhiệm, nhanh nhẹn và hết lòng vì bà con nên anh Chiến được bà con dân bản tin yêu bầu làm Bí thư chi bộ, trưởng bản. 

Để nâng cao nhận thức về việc bảo vệ đường biên, cột mốc, anh đã đi từng nhà trong bản tuyên truyền, vận động bà con chấp hành và thực hiện tốt về những quy định ở khu vực biên giới, phổ biến về Luật Biên phòng Việt Nam cũng như các nội dung, quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. 

Đồng thời anh đứng ra vận động bà con dân bản đăng ký tham gia tự chủ, tự quản đường biên mốc giới, phối hợp với Đồn Biên phòng Chiềng On tuần tra, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới trên địa bàn.  

Kể từ ngày 2 bản giáp biên giới của 2 nước kí kết nghĩa, anh Chiến còn giữ vai trò là cầu nối, duy trì và phát huy tình đoàn kết giữa 2 bản. Nhất là việc tuyên truyền đặc biệt trong quá trình quản lý bảo vệ biên giới của hai nước nói chung và hai bản đối diện nói riêng.

Thiếu tá Nguyễn Chí Hiếu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng On cho biết: Trước đây, do chưa có hệ thống mốc giới, việc qua lại biên giới trên các đường mòn là thường xuyên. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền về Hiệp định quy chế biên giới và tầm quan trọng của mốc giới, nhất là từ khi phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, các hộ gia đình ở bàn Na Cài đều tham gia tự quản đường biên mốc quốc giới, trong đó, mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới” của bản Nà Cài luôn phát huy hiệu quả cao. 

Nhờ đó, nhiều nguồn tin có giá trị được người dân trong bản cung cấp giúp Đồn Biên phòng Chiềng On xử lý kịp thời các vụ việc. Chính vì vậy, tình trạng người dân vi phạm các quy định về xuất, nhập và quá cảnh, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy đến nay cơ bản được kiếm soát, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

“Tấm khiên” vững chắc bảo vệ vùng biên sông Mã

Những năm qua, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu. 

W-bdbp-son-la-1.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh gặt lúa giúp dân. 

Nhiều mô hình tổ tự quản của đoàn viên thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… đã góp sức cùng với lực lượng Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới.

Cách đây 6 năm, ngày 5/5/2017, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương thực hiện mô hình “Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”. Tổ có 23 thành viên, có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đoạn biên giới dài 17,628 km. 

Kể từ ngày triển khai mô hình này, công tác bảo vệ và quản lý đường biên mốc, giới luôn được tổ cắt cử luân phiên triển khai thực hiện, đồng thời kịp thời chia sẻ các thông tin, tình hình, an ninh biên giới; tuyên truyền, vận động bà con dân bản thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị định, quy định về khu vực biên giới đất liền ở địa phương.

Ngoài tổ tự quản của hội phụ nữ, ở các bản, làng biên giới Sơn La còn hình thành các tổ tự quản của người cao tuổi, hội nông dân, đoàn thanh niên…. 

Bản Sam Quảng thuộc xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp) có 52 hộ dân đều là người dân tộc Mông. Mặc dù cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua, công tác bảo vệ và quản lý đường biên mốc, giới luôn được bà con trong bản tổ chức thực hiện, từ việc tuần tra đến kiểm tra đường biên, cột mốc, cũng như việc phát quang đường tuần tra biên giới…

Có được kết quả đó là nhờ đội ngũ người cao tuổi, trong đó phải kể những người già làng, là người có uy tín trong bản, luôn được người dân tin yêu, lắng nghe và làm theo. Người có uy tín luôn động viên con cháu và người dân trong bản chăm lo làm ăn phát triển kinh tế; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của địa phương; xây dựng gia đình văn hóa; đặc biệt là đồng lòng cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc giữ gìn biên cương.

Những năm qua, hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là sự ra đời của các mô hình tổ tự quản đường biên, cột mốc, đã góp sức cùng BĐBP tạo thành “tấm khiên” vững chắc bảo vệ biên giới nơi đây.

Trao đổi với PV, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: Được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 274 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào), với 125 cột mốc quốc giới, những năm qua, BĐBP Sơn La đã phát huy vai trò quần chúng nhân dân khu vực biên giới trong thực hiện phong trào quân chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, với phương châm “bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; xây dựng thế trận lòng dân”, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và an ninh trật tự được BĐBP Sơn La tổ chức chặt chẽ.

Trong 5 năm qua, BĐBP Sơn La đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn được 186 buổi cho 8370 lượt người dân và già làng, trưởng bản, người có uy tín ở khu vực biên giới về trách nhiệm, quyền lợi của công dân khi tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; tuyên truyền pháp luật về bảo vệ biên giới, Luật Biên phòng Việt Nam, pháp luật về phòng, chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới.

Đến nay đã tổ chức kí kết được 75 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 4228 hộ gia đình tham gia; 268 tổ tự quản về an ninh trật tự ở các bản trong khu vực biên giới; có 268 bản có hòm thư và số điện thoại tố giác tội phạm của đồn biên phòng; đấu tranh, trao trả và tiếp nhận bạn trao trả, xử lý vi phạm hành chính, buộc phải kí cam kết không xâm canh qua biên giới.

Với mô hình các tổ tự quản được xây dựng rộng khắp vùng biên giới Sơn La đã tạo dựng thế trận “biên giới lòng dân”, từ đó phát huy sức mạnh toàn dân giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, tạo nên những “tấm khiên” vững chắc cùng BĐBP Sơn La bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia.

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV