Nhắc đến chuyện làm từ thiện, mới nhất việc những tấm lòng vàng, nhà hảo tâm đã góp tiền ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

Tính đến cuối tháng 9, tổng số tiền Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 cấp của Hà Nội tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) là hơn 100 tỷ đồng. Dư luận rất quan tâm đến việc giải ngân số tiền từ thiện nói trên.

Sáng 5/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân (Hà Nội) tổ chức phân bổ đợt 2 với số tiền gần 124 tỷ đồng được các tổ chức, cá nhân ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình. Qua 2 đợt chi trả, đã phân bổ cho các nạn nhân hơn 130 tỷ đồng.

Theo Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân, số tiền còn lại hơn 2,2 tỷ đồng được dùng để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn theo quy định.

tran si thanh 724 948.jpeg
Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Đình Sơn

Giải ngân tiền từ thiện, chi sao cho đúng?

Trao đổi với P.V VietNamNet về việc giải ngân tiền từ thiện như thế nào cho đúng luật, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, Nghị định 93/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết hơn về chủ thể, thủ tục, và nội dung của hoạt động vận động các quyền đóng góp tự nguyện.

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban vận động (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp thành lập) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố…

Điều 11, Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định, nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể được chi theo các nội dung sau:

Hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân.

Hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Dựng các lán trại tạm thời cho người dân do phải di dời hoặc bị mất nhà ở.

Vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh…

Sau khi đã ưu tiên sử dụng theo các nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều này mà kinh phí vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh còn dư, UBND thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.

Theo luật sư, nếu người quyên góp ủng hộ không ghi rõ số tiền ủng hộ nhằm mục đích gì, chi trực tiếp cho ai, Ban vận động sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 11 của Nghị định 93 để quyết định việc phân chia số tiền đã quyên góp được theo nguyên tắc và nội dung được quy định tại điều này.

Trường hợp đã chi theo đúng nguyên tắc, đúng đối tượng mà vẫn còn "thừa tiền" (chưa sử dụng hết), lúc này Ban vận động có thể căn cứ vào quy định tại khoản 7, điều 10, Nghị định 93 để "sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau".

Bởi vậy, trong trường hợp đã thống nhất nguyên tắc chi mà vẫn còn dư ra một khoản thì Ban vận động có quyền giữ lại để phục vụ cho việc phòng chống thiên tai dịch bệnh cho những đợt sau hoặc đảm bảo điều kiện an sinh xã hội chung cho các nạn nhân theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, việc sử dụng số tiền này phải được ghi chép công khai, minh bạch, để đảm bảo công bằng và tránh những tiêu cực có thể xảy ra.