-Hàng tá những thứ mà nhiều người cho là 'điên rồ' khi thấy nhà văn Israel Etgar Keret thường xuyên để chúng trong túi quần nhưng ngược lại, anh lại cho rằng nó hữu ích vô cùng.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam "Đột nhiên có tiếng gõ cửa" trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Châu âu tại Việt Nam, nhà văn Israel Etgar Keret đã có cuộc nói chuyện đầy thú vị với bạn đọc.
Etgar Keret là một trong những nhà văn hàng đầu của Israel. Ông có tác phẩm được dịch ở 40 quốc gia và có vị trí riêng trong làng văn thế giới hiện nay. Tác giả sinh năm 1967 không giấu được niềm vui và háo hức khi lần đầu có tập sách được dịch sang tiếng Việt.
Nhà văn Etgar Keret
- Cho tới tận hôm nay, tôi mới biết rằng anh là bậc thầy tài tình và chân thực về truyện ngắn. Cơ hội đầu tiên mà anh tiếp xúc với truyện ngắn là bao giờ?
Bố mẹ tôi đã trải qua Thế chiến 2, cuộc thảm sát những người Do thái. Tôi đã mất mẹ khi lên 8 tuổi. Thế nhưng những kí ức về người mẹ kính yêu luôn tràn về trong tôi mỗi lần ai hỏi tôi rằng tôi tiếp xúc với truyện ngắn khi nào.
Đó chính là từ mẹ tôi. Mẹ tôi là người có khả năng văn học rất tốt. Bà đọc được tất cả các sách văn học bằng 6 thứ tiếng khác nhau. Những lần tôi và mẹ ở trại Do thái, hàng ngày tôi được nghe mẹ kể chuyện. Thay vì cầm cuốn sách đọc cho tôi nghe hàng tối giống như những bà mẹ khác thường làm cho con mình thì mẹ tôi lại tự nghĩ ra câu chuyện khác nhau rồi kể cho tôi nghe.
Khi tôi còn là đứa trẻ thì những câu chuyện mẹ tôi kể đã khiến trí tưởng tượng của tôi phong phú hơn rất nhiều và có kinh nghiệm để kể chuyện nữa. Thỉnh thoảng, mẹ tôi bận thì bố tôi kể chuyện cho tôi nghe. Tuy nhiên, bố tôi thì thường không tự 'bịa chuyện' như mẹ tôi được, ông thường kể những chuyện thật xảy ra với ông. Những nhân vật ông kể rất thật và nó cũng làm cho tôi thấy thú vị.
Chẳng hạn, bố tôi đã kể cho tôi nghe về một ngôi nhà kỳ lạ có những cô gái điếm. Tôi đã rất ngạc nhiên khi bố tôi lại kể cho một đứa trẻ về một cô gái điếm rất thật như thế. Tôi hỏi bố tôi gái điếm là gì? Bố tôi nói cô gái điếm là cô gái rất biết nghe lời tất cả mọi người, biết uống nhiều rượu. Câu chuyện của bố tôi giúp tôi tin rằng, những cô gái điếm là người tốt và có cuộc sống hạnh phúc.
5 tuổi tôi tin thế nhưng 11 tuổi tôi đã biết sự thực. Tôi hỏi tại sao bố tôi lại kể cho tôi câu chuyện như thế? Bố tôi bảo rằng, bố tôi đã trải qua bao nhiêu mất mát đau thương nên bố tôi tin rằng trong mất mát đau thương, con người vẫn tốt đẹp, vẫn có chất nhân văn.
Chính vì thế mà khi bắt đầu viết chuyện, yếu tố nhân văn bao giờ tôi cũng đặt lên hàng đầu dù biết rằng tìm được yếu tố nhân văn trong con người ở cuộc sống hiện tại là khó.
- Anh có thể chia sẻ ý tưởng để có nhưng mẩu truyện ngắn, có lúc là quá ngắn như thế? Truyện dài nhất và ngắn nhất anh viết trong bao lâu?
Việc viết lách giống như tình cảm, nó không cố định. Giống như bạn ném hòn đá xuống nước thì có nghĩa là bạn không phải muốn nhìn hòn đã hay mặt nước mà bạn nhìn thấy sóng từ cách ném của bạn. Câu chuyện của tôi chứa nhiều năng lượng, nó giống như vụ nổ. Tôi muốn nó nổ thật nhanh chứ không từ từ được. Tôi không kiên trì, tôi không viết được những truyện dài hơi.
Một truyện ngắn có khi tôi viết trong vài giờ nhưng có truyện tôi phải viết tới 7 năm.
- Các nhà văn Việt Nam thường nói rằng họ không sống được bằng nghề viết. Thế còn các nhà văn ở Israel thì sao?
Cuộc sống của các nhà văn ở Israel cũng như các nhà văn ở Việt Nam thôi, họ cũng không sống được bằng nghề. Tuy nhiên, bản thân tôi là người may mắn vì sách của tôi bán chạy và được xuất bản ở nhiều nước. Tôi có thể sống bằng tiền nhuận bút đấy. Tuy nhiên khi còn sống, bố tôi luôn dặn tôi rằng, đừng biến nghề văn thành nghề để kiếm sống mà nó chỉ là niềm yêu thích thôi, đừng phụ thuộc vào nó. Chính vì vậy, nghề chính của tôi là giáo sư dạy học. Trước kia tôi là giáo sư dạy toán, giờ tôi chuyển sang dạy văn học.
Nhà văn không sống được bằng nghề là tình trạng chung của thế giới. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng bản thân mình có khả năng viết lách đó đã là một quà tặng, một năng khiếu bẩm sinh mà mình may mắn có được rồi. Thế nên tôi không ca thán gì thêm về việc có kiếm được tiền hay không.
Con trai tôi 9 tuổi khi tôi hỏi con muốn làm nghề gì khi lớn lên. Nó trả lời là thích lái taxi vì được đếm nhiều tiền. Nhưng tôi nói với con khi con làm việc thì con sẽ thấy có những thứ con được nhiều hơn là tiền. Chẳng hạn như làm bác sĩ, con vẫn kiếm được tiền mà vẫn được biết ơn vì cứu người. Làm giáo viên con vẫn kiếm được tiền mà vẫn có được sự ngưỡng mộ của mọi người.
Con tôi hỏi thế làm nhà văn như bố thì được cái gì? Tôi trả lời là được sự yêu mến của tất cả mọi người. Và thế là cậu bé bảo vậy nghề viết văn của bố là nghề tuyệt vời nhất trên thế giới rồi. Tôi thấy vui vì điều đó.
Etgar Keret ký tặng sách cho độc giả
- Anh có biết gì về văn học Việt Nam không?
Tôi chưa biết gì về văn học Việt Nam cả, được biết cuốn "Đột nhiên gõ cửa" của tôi cũng là cuốn đầu tiên của văn học Israel có mặt tại Việt Nam. Những tác phẩm của Việt Nam cũng vậy, người Israel cũng hầu như chưa tiếp cận được. Những gì chúng tôi biết về Việt Nam lại qua những tác phẩm văn học của Mỹ. Tuy nhiên, nó chỉ nhìn từ khía cạnh của người Mỹ nên không thể thấy được sự đau khổ hay chịu đựng của người Việt Nam như thế nào qua những cuộc chiến tranh.
Giống như người Việt Nam cũng chỉ biết tới Israel là một đất nước chiến tranh, khủng bố, đánh bom tự sát thì người dân nước tôi cũng chỉ biết Việt Nam như là một nước có chiến tranh, Việt cộng... chứ không biết được con người đất nước Việt Nam xinh đẹp như thế nào.
Tôi nghĩ là nhà văn chính là đại sứ của đất nước đại diện cho tính người. Giúp người dân trên thế giới hiểu hơn về đất nước, con người nước mình. Tất cả người dân trên thế giới đều có tính người như nhau.
- Truyện ngắn của anh lần này giới thiệu ở Việt Nam, anh muốn gửi gắm gì vào đó về con người của Israel?
Tôi muốn thể hiện rằng những con người đang sống trong một tương lai không rõ ràng, lúc nào cũng sợ đánh bom, những kẻ thù địch xung quanh, cuộc sống khó giữ được tính nhân bản trong mỗi người. Những con người trong câu chuyện của tôi dù sống trong môi trường như vậy vẫn giữ được tín nhân bản của mình. Mỗi buổi sáng tỉnh dậy dù bạn đang sống trong một đất nước mà có chiến tranh kinh hoàng như thế nào thì điều đầu tiên bạn nghĩ đến là vợ mình, người thân của mình còn yêu mình không, cuộc sống của họ có ổn không? Đừng nghĩ tới những điều tiêu cực khác.
Như tên gọi của tập truyện "Đột nhiên có tiếng gõ cửa" tôi mong tác phẩm của mình như một 'tiếng gõ cửa' vào suy nghĩ và trái tim người đọc. Tôi rất vui khi tôi là một người viết đến từ một nơi xa, bạn đọc nơi đây đã cầm trên tay tập truyện của tôi. Biết đâu các bạn có thể khóc, cười cùng chúng. Và biết đâu từ trang viết này, bạn có cái nhìn khác hơn, mới mẻ hơn về thực tế cuộc sống diễn ra xung quanh.
- Đọc truyện ngắn "Đột nhiên gõ cửa" của anh, tôi thấy có mẩu chuyện "Chúng ta có gì trong túi". Nào bật lửa, kẹo ho, tăm, con tem... Đó là những thứ cũng thường xuyên trong túi của anh chứ?
Đúng vậy. Bản thân tôi thì có rất nhiều thứ trong túi. Tuy nhiên ở nước tôi họ rất sợ khủng bố nên mỗi lần đi qua máy quét kiểm tra an ninh, tôi phải lôi tất cả trong túi ra.
Một lần vào siêu thị, khi tôi bước ra, có một tiếng bíp rất to. Công an yêu cầu kiểm tra túi của tôi. Tôi đã rất xấu hổ với những người xung quanh khi họ chứng kiến những thứ 'khỉ gió' tôi bỏ ra khỏi túi. Còn sắc mặt nhân viên an ninh khi đó rất ngạc nhiên không hiểu cái lão này để những thứ dẩm dớ trong này làm gì nữa. Nhưng chẳng ai hỏi tôi lý do tại sao tôi đút nhiều thứ thế trong túi làm gì. Bởi nếu hỏi, tôi sẽ nói cho họ biết vì sao, nó hữu ích như thế nào. Đó chính là lý do tôi viết câu chuyện "Trong túi bạn có gì". Chắc bạn đọc rồi, bạn đã thấy những thứ 'điên rồ' đó đôi khi rất hữu ích không?
- Vậy hiện tại, anh có thể cho tôi xem xem trong túi anh có gì được không?
Ồ, giờ trong túi tôi chỉ có điện thoại và hộ chiếu thôi vì trước khi tới đây tôi đã phải bỏ hết những thứ linh tinh trong túi ra rồi. Vợ tôi bảo nếu không bỏ ra phụ nữ sẽ nghĩ là chân tôi rất to.
Ở Israel, tôi có rất nhiều tứ 'điên rồ' ở trong túi nhiều khi không phải tôi cố tình mà là tôi quên. Chẳng hạn như có lần, con trai tôi có quả pháo nho nhỏ, cứ ném xuống đất là nó nổ. Cậu bé thường xuyên ném nó sang nhà hàng xóm và điều đó làm tôi bực mình. Tôi đã tịch thu nó và đút vào túi áo ngực. Thế rồi tôi quên luôn. Đến lúc tôi lên giảng đường, khi dạy học sinh, tôi bảo, các bạn đừng viết lách bằng cái đầu mà hãy viết bằng cả trái tim đây này. Rồi tôi lấy tay đập mạnh vào trái tim mình. Trời, nó gây ra tiếng nổ mặc dù không to lắm nhưng cũng làm thủng áo.
Học sinh của tôi tròn mắt ngạc nhiên rồi tấm tắc khen tôi là một giảng viên thật chuyên nghiệp, chuẩn bị sẵn cả hiệu ứng để bài giảng thật ấn tượng.
- Cảm ơn anh về chia sẻ!
T. Lê