Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã tạo động lực cho thương mại song phương tăng trưởng liên tục trong những tháng qua, trong đó xuất khẩu sang Anh tăng 29% và nhập khẩu từ Anh tăng 16%..

Tại buổi tiếp đón và làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Thương mại Vương quốc Anh, ông Greg Hands, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nhờ khung khổ pháp lý thuận lợi của UKVFTA, với nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong thời gian tới sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam và Vương quốc Anh là hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ lẫn nhau, Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Anh những mặt hàng là thế mạnh của mình và thị trường Anh có nhu cầu như: Hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, nông, thủy sản nhiệt đới...

Trong khi đó, Việt Nam cũng mong muốn nhập khẩu từ Vương quốc Anh các loại máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm, hàng hóa công nghệ cao, dịch vụ tiên tiến trong các lĩnh vực năng lượng, y tế, giáo dục...

Cà phê hòa tan là chủng loại cà phê được người tiêu dùng Anh ưa chuộng nhất.

TS. Nguyễn Sơn - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế đánh giá, từ quá trình vừa cải cách, vừa tiếp cận các quy định của thương mại quốc tế, chúng ta đã bước vào sân chơi hàng đầu thế giới, tham gia thiết lập những chuẩn mực tiên tiến cho phát triển bền vững.

Ông Sơn phân tích, các hiệp định thế hệ mới ngay khi đi vào thực thi đã đem lại những tín hiệu tích cực về thương mại. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trước đây chúng ta chưa có FTA (Ca-na-đa, Mê-hi-cô) tăng ở mức từ 20 đến 30% trong năm đầu tiên thực thi. Năm 2020, bất chấp tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, xuất khẩu sang các thị trường này vẫn tăng từ 12 đến 15%.

Đối với EVFTA (bao gồm cả UKVFTA), 5 tháng đầu tiên thực thi (từ tháng 8 đến tháng 12-2020) đã có 62.500 bộ Chứng nhận xuất xứ EUR.1 được cấp; cho phép 2,35 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU (xấp xỉ 15% kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ) được hưởng ưu đãi. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sang EU đã tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019, thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh. Những kết quả khả quan bất chấp tình trạng suy thoái của kinh tế toàn cầu cho thấy sức hấp dẫn của các thị trường mới khai thông và tiềm năng, sự nhạy bén của các doanh nghiệp.

Với việc thực thi EVFTA, UKVFTA chắc chắn EU và UK sẽ nhanh chóng vươn lên thứ hạng cao hơn trong danh sách các bạn hàng của Việt Nam. Nông sản Việt Nam có cơ hội to lớn thâm nhập vào thị trường tiềm năng, được giá này. Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp cận được các sản phẩm tiêu dùng châu Âu chất lượng cao với giá rẻ hơn.

Ngoài ra, mạng lưới các FTA đã giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của sự suy giảm hệ thống thương mại đa phương. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng vai trò của hệ thống thương mại đa phương. Các nước lớn đã tùy ý áp đặt các biện pháp bảo hộ bất chấp các quy định, nguyên tắc của WTO và vô hiệu hóa các luật lệ, cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này.

Các nền kinh tế nhỏ và có mức độ mở cao như Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương khi những nền tảng pháp lý cho thương mại quốc tế vốn tồn tại bao năm qua bị suy giảm. Trong bối cảnh đó, các FTA đã phát huy vai trò diễn đàn đối thoại cũng như khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và các đối tác hàng đầu của mình, giúp chúng ta giảm thiểu các tranh chấp ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại.

Tuy nhiên, lợi ích lâu dài và có ý nghĩa nhất đối với phát triển là những quy tắc mang tính cải cách đối với môi trường thương mại trong các hiệp định thế hệ mới. Kể từ thời kỳ gia nhập WTO, chúng ta mới lại có một đợt rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại như vừa qua. Liên quan đến CPTPP, Bộ Tư pháp đã chủ trì cùng các bộ, ngành rà soát 256 văn bản luật và dưới luật, kiến nghị sửa đổi 12 văn bản (trong đó có 8 luật) ban hành mới 5 văn bản.

Đối với EVFTA, UKVFTA trên cơ sở rà soát 219 văn bản, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi 4 văn bản (2 luật) và ban hành mới 4 văn bản. Đó là chưa kể tới hàng chục điều khoản trong cả hai hiệp định sẽ được áp dụng trực tiếp do đã được quy định đủ rõ ràng và không xung đột với pháp luật hiện hành. Số lượng các văn bản rà soát và cần sửa đổi, ban hành mới cho thấy ý nghĩa sâu rộng và mức độ ảnh hưởng của các hiệp định này tới nền kinh tế.

Cũng cần lưu ý rằng, việc sửa đổi pháp luật không chỉ đặt ra với Việt Nam. Các nước thành viên ký kết các FTA kể trên, bao gồm cả các nền kinh tế hàng đầu, như Nhật Bản, Ca-na-đa, thành viên EU,... đều phải thực hiện công việc xây dựng pháp luật để thực thi hiệp định ở các mức độ khác nhau để cập nhật những yếu tố tiên phong của các hiệp định này vào nội luật. Khuôn khổ pháp luật thương mại minh bạch, cạnh tranh, thủ tục thuận lợi... sẽ tạo hiệu ứng sâu rộng, lâu dài để nền kinh tế vận hành hiệu quả, bền vững.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 - 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ba rào cản khiến nhà đầu tư quan ngại nhất khi tiếp cận thị trường các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là thủ tục phê duyệt đầu tư, quy định về hàm lượng nội địa và quy định về lao động người nước ngoài. Yếu tố nhân công rẻ chỉ xếp thứ 11. Bởi vậy, việc thực thi nghiêm túc những cam kết đầu tư trong các FTA thế hệ mới kể trên cùng với lợi ích tiềm tàng từ mạng lưới FTA bao phủ Việt Nam đang sở hữu sẽ cho chúng ta những lợi thế to lớn trong thu hút luồng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển xuống khu vực Nam Á. Những giá trị tiên phong về tự do thương mại và cải cách tạo nên sức hấp dẫn của các FTA này với thế giới. Một số nền kinh tế hàng đầu đã bày tỏ ý định sẽ xem xét khả năng tham gia CPTPP.

Một ý nghĩa không thể bỏ qua là quá trình đàm phán các FTA thế hệ mới đã giúp đào tạo, trưởng thành đội ngũ chuyên gia thương mại quốc tế. Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTAlà những hiệp định mang tính tiên phong trong tiếp cận các vấn đề thương mại và đồng thời phức tạp bậc nhất về kỹ thuật. Các cán bộ đàm phán của chúng ta đã từng bước học hỏi, trưởng thành để cùng các đồng nghiệp quốc tế xây dựng nên những tiêu chí thương mại tiên tiến đáp ứng xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Những kiến thức, kinh nghiệm đàm phán, tư duy thời đại là nguồn lực quý giá để đội ngũ này tiếp tục đóng góp vào công tác quản lý, hoạch định chính sách, hiện thực hóa lợi ích từ các FTA thế hệ mới.

Huy Linh, Huyền Sâm, Hồng Phúc,Minh Hưng, Nguyễn Doanh, Bạch Hân, Hồng Nhì, Ngọc Dũng