Chúng ta thường nghĩ việc có bằng MBA, học trường "đỉnh", ra trường làm ngay cho các công ty đa quốc gia là những công thức để trở thành CEO nhanh chóng. Nhưng một số khảo sát quốc tế có thể cho bạn một bức tranh hoàn toàn khác.
Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm, hơn 17.000 dữ liệu về các CEO đã được thu thập và đánh giá. Trong đó, những người rút ngắn thời gian trở thành CEO nhanh hơn 24 năm so với mức trung bình (kể từ khi bắt đầu công việc đầu tiên) được gọi là CEO “chạy nước rút”.
Điều đáng ngạc nhiên là họ không phải những người có một hoạch định hoàn hảo ngay từ đầu, mà họ đã có những lựa chọn táo bạo vào những thời điểm quyết định. Trong đó chỉ 25% có bằng MBA ngay sau khi ra trường. Thậm chí, có những người chưa bao giờ khao khát chức danh Giám đốc.
Từ những bước nhỏ trong sự nghiệp
Hơn 60% CEO “chạy nước rút” từng đóng vai trò góp phần thay đổi tổ chức (dù chức danh nhỏ) vào một điểm nào đó trong sự nghiệp. Họ có thể khởi đầu một sản phẩm hoặc bộ phận mới, chuyển sang một công ty nhỏ hơn để nhận một loạt trách nhiệm lớn hơn. Nói chung, họ tận dụng cơ hội để xây mới hoặc xây lại điều gì đó từ đầu và tạo ra tác động lớn sau đó.
Như vậy, những công việc kinh doanh mới có thể không có nhiều nguồn lực và tiềm ẩn một tương lai không chắc chắn. Nhưng thách thức đó đòi hỏi bạn phải xây dựng, quản lý một tổ chức từ đầu, và học được cách điều hành, quản lý kỹ năng, nhân sự, thời gian, ngân sách và thiết lập tầm nhìn chiến lược - tất cả các điều kiện quan trọng để trở thành CEO.
…đến “cú nhảy lớn
Hơn ⅓ CEO “nước rút” có bước nhảy vọt trong sự nghiệp, thường là trong 10 năm đầu tiên. Họ sẵn sàng đảm nhận vị trí thách thức, thậm chí kể cả khi họ chưa hề sẵn sàng cho sự kiện này trước đó.
Một kế toán cao cấp đã được đề nghị trở thành Giám đốc tài chính, vượt quyền cả người tuyển dụng anh ta. Anh vẫn phải vừa học hỏi các kỹ năng quản lý, vừa phải tìm cách bắt nối các mối quan hệ công việc, nhưng chấp nhận thử thách một cách say mê. Vị trí mới cho phép anh có cái nhìn sâu sắc hơn về những tiềm năng trong nghề, và sau 9 năm làm Giám đốc tài chính, anh có thể đảm nhận vai trò CEO.
Không phải ai cũng may mắn được ban lãnh đạo nhìn ra khả năng từ sớm như vậy. Nhưng bạn có thể chủ động tìm kiếm. Các dự án liên quan đến nhiều khía cạnh vận hành, nhiều bộ phận của doanh nghiệp là một cơ hội. Bạn có thể phải nhận nhiều trách nhiệm hơn, giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp hơn, nhưng sự dũng cảm nói “có” với các cơ hội lớn sẽ mở ra con đường rộng mở hơn trong tương lai.
Khát vọng cải tổ của các CEO
Khát vọng làm được một điều gì đó lớn lao có thể là một động lực mang tính quyết định cho những CEO trẻ tuổi. Hoàn cảnh khó khăn làm nên khí phách nhà quản lý. Đó có thể là một đơn vị kinh doanh kém hiệu quả, một sản phẩm bị lỗi hoặc gây thiệt hại lớn - bất kỳ vấn đề lớn nào đối với doanh nghiệp mà bạn muốn khắc phục cũng có thể đưa bạn trở thành một CEO trong tương lai. Hơn 30% CEO “nước rút” đã từng dẫn dắt nhóm của họ vượt qua tình cảnh như vậy.
Khủng hoảng là cơ hội để các nhà lãnh đạo mới nổi phát huy khả năng đánh giá tình huống, ra quyết định dưới áp lực, chấp nhận rủi ro có tính toán, tập hợp những người đang xung đột trở thành một tập thể và cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.
Bạn có phải là người thích những thử thách như vậy không? Nếu yêu thích việc sửa chữa, giải quyết các bài toán hóc búa và việc tìm hiểu những lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, thuế, luật…, thì bạn sẽ có cơ hội cao hơn người khác. Bằng cách đẩy bản thân vượt qua giới hạn và mạo hiểm sự nghiệp vào những việc không ai muốn nhận, bạn có thể chứng minh bản lĩnh của mình có thể góp ích cho tổ chức như thế nào.
Như vậy, có thể bạn không có một xuất phát điểm quá thuận lợi hay bằng cấp cao cấp, hay làm ở công ty/tổ chức lớn nhưng bạn hoàn toàn có thể tăng tốc sự nghiệp bằng tinh thần cầu tiến, mong muốn cải thiện môi trường xung quanh. Và sự thành công cũng đòi hỏi tính mạo hiểm mà không phải ai cũng có được. Đó không phải trò chơi cho những người yếu tim.
(Theo Career Builder)