Bộ sách gồm 3 tập: Miền Nam và văn học dân gian địa phương; Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới; Văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp.
Từ văn học dân gian địa phương với ca dao, tục ngữ, hò, vè, thơ đến văn học Hán Nôm, văn học Quốc ngữ, các tên tuổi lớn trong làng văn ở mỗi giai đoạn được Nguyễn Văn Hầu dày công sưu tập, tổng hợp một cách đầy đủ và bổ sung nhiều thiếu sót của các thế hệ nghiên cứu đi trước.
Tập 1 nói về giai đoạn khai hoang mở cõi, đất phương Nam là nơi: "Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um" - những cư dân đầu tiên phải lo chống chọi với thiên nhiên nên văn chương biểu thị cho đời sống tinh thần chỉ là thể loại truyền khẩu, ca dao, tục ngữ, câu đố và hò vè. Tất cả những hình thái văn học này được tác giả sưu tầm và giới thiệu rất công phu nhưng không thiếu yếu tố cảm xúc.
Tập 2 của bộ sách Văn học miền Nam lục tỉnh thể hiện giai đoạn sơ khai đến phát triển của văn học Hán Nôm xứ Đàng Trong.
Trong khi đó, các tác phẩm văn chương ở tập 3 thể hiện tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của người Nam Bộ với thực dân Pháp. Đây là thời kỳ sản sinh ra những nhà văn yêu nước với tài thơ văn xuất chúng với nhiều tác phẩm bất hủ như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Quang Diêu...
Những áng thơ văn thể hiện lòng yêu nước, khí khái, trọng nghĩa khinh tài trong thời kỳ này ở Nam kỳ đã làm nên một thời kỳ rạng rỡ cho văn chương nước nhà.