Vụ việc xảy ra vào tối 17/5 tại phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Khi đó, con gái nạn nhân dắt chó Pitbull từ trong lồng sắt ra sân để cho ăn. Cụ bà Đặng Thị V. (SN 1941) ngồi trong nhà nói lớn tiếng khiến con chó giật mình. Sau phút hoảng loạn, con chó dữ lao vào nhà cắn xé khiến cụ bà gục tại chỗ. Mặc cho con gái ra sức kéo nhưng không thể lôi con chó ra ngoài. Cụ V. tử vong tại chỗ sau đó ít phút.
Trước đó, tối 27/4, tại huyện Yên Lập, Phú Thọ, bé trai Đ.Đ.G (23 tháng tuổi) cũng bị chó của gia đình cắn rách da, chảy máu vùng đầu cổ mặt phải đi cấp cứu.
Camera ghi lại hình ảnh chó dữ tấn công cháu bé tại Hà Giang. Ảnh: Xuân Hương
Cũng trong ngày 27/4, tại tổ 17 phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, một bé trai bị chó thả rông lao vào tấn công. Rất may có người lớn can thiệp kịp thời nên cháu bị thương nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.
Ngày 22/4, bà N. (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang cắt rau trong vườn thì bị chó nuôi của nhà tấn công. Hậu quả bà N. bị đa vết thương phần mềm phức tạp. Nhiều vết thương rất sâu trên khắp cơ thể, từ lưng, cẳng tay, cánh tay, đùi, chân… dẫn tới mất máu nhiều, nguy hiểm tới tính mạng. Rất may bà N. được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời, hiện an toàn.
Chó dữ lao vào nhà, cắn chết chú chó nhỏ đang chơi với bé gái ở Bắc Giang sáng 27/3.
Ngày 27/3, anh Nguyễn Anh Tim (SN 1991, Sơn Động, Bắc Giang) đang cùng con gái chơi với chú chó nhỏ ở hiên nhà. Khi anh Tim vừa quay lưng đi vào nhà thì một con chó của hàng xóm lao tới. Thấy vậy, bé gái sợ hãi chạy vào nhà gọi người lớn.
Con chó dữ cắn xé chú chó nhỏ ngay trước mặt bé gái. “Con gái tôi quá hoảng sợ khi chứng kiến chú chó nhỏ yêu thích bị cắn chết ngay trước mắt. Tôi không dám hình dung nếu con chó đó lao vào tấn công con gái tôi thì mọi chuyện sẽ ra sao”, anh Tim nói với VietNamNet.
Nhiều người chật vật mới giải thoát bé trai khỏi con chó dữ tấn công.
Ngày 3/2, một bé trai đang đứng ở cửa bị chó Pitbull bất ngờ lao vào tấn công. Nghe tiếng kêu của cháu bé, người lớn trong gia đình nhanh chóng chạy tới ứng cứu. Bất chấp 4 người lớn níu giữ, con chó dữ vẫn tìm mọi cách lao vào tấn công cháu bé.
Rất may cháu bé vẫn đang đeo cặp sách và mặc áo khoác dày nên không bị các vết thương chí mạng. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi cháu bé chạy thoát sang phòng khác và đóng cửa phòng. Tuy nhiên, con chó dữ vẫn liên tục cào cửa đòi tấn công.
Cần có quy định về nuôi chó dữ ở Việt Nam?
Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng do chó Pitbull và các giống chó dữ (Rockweiler, Doberman, ngao Tây Tạng,... ) gây ra, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.
Do tính chất nguy hiểm của chúng, một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm nuôi nhốt hoặc có những quy định để hạn chế người dân nuôi tự phát những loại chó này.
Theo Tuổi trẻ, có khoảng 39 quốc gia hoặc một số tỉnh/bang của quốc gia cấm nuôi chó Pitbull như Argentina, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Ukraine,…
Pháp luật Việt Nam không cấm người dân nuôi chó. Vì thế, có nhiều người chọn nuôi các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet, ông Phan Quang Minh, Trưởng phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Nếu người nuôi chó không chấp hành các quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể phạt hành chính. Thậm chí, nếu để chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi chó có thể bị xử lý hình sự”.
Ngoài ra, ông Minh cũng khuyến cáo người dân không nên nuôi giống chó hung dữ ở khu đông dân cư. Nếu có nuôi chó thì người dân chỉ nuôi ở trong khuôn viên gia đình mình.
Theo Quyết định 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế và loại trừ bệnh dại, quy định người nuôi chó phải quản lý chó nuôi, phải tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình, khi ra ngoài phải đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải xích giữ chó hoặc có người dắt. Theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, xử lý vi phạm hành chính từ 1 - 2 triệu đồng cho hành vi “Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”. Ngoài ra, có thể căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự (ví dụ Điều 603), Bộ luật Hình sự (ví dụ Điều 295) để xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. |
Sự phủ nhận trắng trợn của chủ nhân những con chó khiến vụ "chó cắn người" trở nên nổi tiếng nhất Trung Quốc.
(Tổng hợp)