Sau thất bại của cuộc chinh phục và cướp bóc thiên nhiên quy mô lớn, và sự xuống cấp nghiêm trọng của Trái đất, chúng ta phải tái khẳng định: con người là tự nhiên.
Chúng ta không thể chống lại trái đất, bởi vì bất kỳ cuộc tấn công nào theo cách đó sẽ dẫn đến cái chết của loài người và của hàng triệu sinh linh trong đó.
Những vụ đầu độc các đại dương và các dòng sông, sự ô nhiễm dày đặc ở các thành phố, sự phá hủy ngày một nhanh của những cánh rừng, đã chứng minh rằng : một hồ nước có thể bị biến đổi thành một sa mạc.
Do đó, các khía cạnh thiết yếu đầu tiên của cuộc đấu tranh của chúng ta là bảo vệ Trái đất. Bảo vệ Trái đất là để bảo vệ cuộc sống. Toàn bộ nền văn hóa của chúng ta phải được dựa trên nguyên tắc này.
Khía cạnh quan trọng thứ hai là bảo vệ tất cả các hình thức của cuộc sống, của tất cả các chúng sinh, bởi vì chúng ta đã từng là những người xơi tái hầu như tất cả các dạng của sự sống.
Trái đất không tồn tại cho sự lạm dụng quá mức của chúng ta; trái đất không phải được tạo nên để thỏa mãn những sự tham lam của chủ nghĩa tư bản ; năng khiếu của chúng ta không phải là của những kẻ phá hoại và hủy diệt sự sống.
Tất cả những điều này có quan hệ gì đối với nền văn hóa hiện tại và tương lai của chúng ta?
Toàn bộ quan điểm của chúng ta về tương lai phải được gắn liền với sự nghiệp bảo vệ trái đất và bảo vệ sự sống, và xây dựng một nền kinh tế kết đoàn, dựa trên việc bãi bỏ chiến tranh và bất công xã hội.
Đó là ba khía cạnh trọng tâm và nguyên tắc cốt lõi của nền văn hóa của chúng ta.
Tất cả nghệ thuật, văn học, triết học, sư phạm, đạo đức, tư tưởng và chính sách của chúng ta nên xoay quanh những nguyên tắc này, nếu chúng ta muốn tiếp tục sống trên trái đất rộng lượng và tuyệt vời này.
Tất nhiên là để viết lên một lịch sử nhân loại mới, bắt đầu bằng sự thay thế các mô hình hiện tại, chúng ta phải dựa trên sự quan sát các tiến trình lịch sử của chúng ta, về sự nhân đạo và vô nhân đạo, đã đưa nhân loại vào vực thẳm, mà chúng ta không có ngay cả một nhận thức về đôi cánh khổng lồ của mình.
Nhà thơ Fernado Rendon với một cựu binh và NSND Thúy Cải tại Bắc Ninh
Để có một nhận thức rõ hơn về nền văn hóa của chúng ta, chúng ta phải nắm bắt và thấu hiểu nguồn gốc của chúng ta, mãn cường ký ức của chúng ta về những huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa thơ mộng, các trường ca với thế giới nhân sinh tổ tiên của chúng ta, với một hình thức văn chương mang đầy hơi thở và tinh thần của tổ tiên; và giúp chúng ta không bao giờ quên những con đường đầy máu, đầy đau thương và đầy hy sinh.
Với sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân và bạo lực, chúng đã áp đặt lên chúng ta một suy nghĩ thực dụng phương Tây, bị ảnh hưởng của các tổ chức độc đoán và giáo sĩ, mà hầu như hoàn toàn được dùng để phá hủy thế giới quan nguyên sinh của nhân dân chúng ta, hủy diệt các thói quen và niềm tin của họ, loại bỏ các hình thức văn hóa gốc của họ.
Chúng ta mong muốn khôi phục và bảo tồn các kinh nghiệm của các tổ chức truyền thống, như cách mô tả của một số chủ nghĩa xã hội không tưởng và khoa học, nhưng hoàn toàn thực tế, để tăng cường niềm tin của chúng ta về một tổ chức xã hội mới trong một hệ thống chính trị và kinh tế mới, như là một biểu hiện của cuộc đấu tranh hàng ngày của chúng ta và cuộc kháng chiến văn hoá trường kỳ của chúng ta.
Nhưng việc tái thiết các hình thức xã hội sản xuất không thể chỉ đơn thuần là chủ nghĩa thực dụng trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Trong các bài thảo luận thông thường, và mang tính chu kỳ, chúng ta luôn luôn đưa vào các khái niệm về các nền kinh tế lên đầu tiên, như là sống còn, và đặt các vấn đề văn hoá ở vị trí cuối cùng, nếu nó may mắn được nhắc đến , đây là điều không nên bao giờ . Văn hóa phải là yếu tố chủ chốt của lịch sử nhân loại.
Về vấn đề này, tôi muốn nêu lên một ví dụ, để tạo ra một tài liệu tham khảo, thông qua kinh nghiệm gần đây của tôi ở Việt Nam.
Chỉ trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã chiến đấu ba cuộc chiến tranh chống lại và chiến thắng hai cường quốc thực dân lớn (Nhật Bản và Pháp), và là nước duy nhất chiến thắng đế quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại: đế quốc Hoa Kỳ.
Làm sao có thể? Tại sao Việt Nam, một đất nước nhỏ bé với một nền kinh tế yếu kém, lại là quốc gia duy nhất đánh bại về mặt quân sự Hoa Kỳ, gây cho họ hơn 58.000 tổn thất sinh mạng?
Bởi vì văn hóa của họ đã được hơn hẳn nền văn hóa Mỹ, bao gồm cả về văn hoá và nghệ thuật quân sự.
Để nâng cao nhận thức về văn hóa Việt Nam, chúng ta phải trở lại nguồn gốc thần thoại và lịch sử của Việt Nam, của nền thơ ca cổ đại, của nền văn học và nền triết học, đó là những liên kết mạnh mẽ trong các tình cảm anh em và tôn trọng các giá trị văn hóa và tinh thần, trong mối tương quan với thiên nhiên ; đó là tình đoàn kết và tập thể, tất cả đều tạo cho Việt Nam một bản sắc, một sự đoàn kết và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.
Dựa vào những nguyên tắc này, người dân Việt Nam. luôn luôn biết im lặng và thận trọng, đã chiến đấu một cuộc chiến tranh du kích chín thế kỷ chống lại sự chiếm đóng của Phương Bắc và chống lại các đội quân xâm lược Mông Cổ.
Những kiến thức này Việt Nam đã được thừa hưởng trong thực tế qua nhiều thế hệ, vì vậy không thể nói cuộc kháng chiến thắng lợi của một dân tộc đặc biệt này là công việc của một người đàn ông, một người lãnh đạo tuyệt vời và là nhà thơ như chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là sự nghiệp của một dân tộc, một dân tộc biết rõ nguồn gốc, văn hóa, văn học của mình, họ có tính kỷ luật chắc bền của tâm linh sâu sắc và của một nền văn hóa quốc gia giàu có.
Nhà thơ Việt Nam Nguyễn Phan Quế Mai đã viết:
"Theo truyền thuyết, những người Việt Nam là con Rồng, cháu Tiên. Trong những ngày đầu của lịch sử, đất nước chúng tôi đã bị xâm chiếm bởi các quân đội nước ngoài; để đáp lại, Trời Cao quyết định gửi xuống trái đất các ông Rồng, để giúp con cháu của họ là những người Việt Nam chống lại quân xâm lược.Trong khi những con rồng hạ xuống, đội quân xâm lược nhập tiến tới với đông đảo các loại tàu lớn nhỏ. Các ông Rồng đã đổ ngọc và đồ trang sức xuống biển để tạo thành một chuỗi các núi đá làm tường ngăn cản quân thù. Các tàu của quân xâm lược điều hướng tới với tốc độ cao, và chúng đã xô vào các bức tường và vỡ vụn. Cuộc xâm lược đã bị đánh bại và Vịnh Hạ Long đã được tạo thành với hàng nghìn hòn đảo nằm rải rác trên vịnh với một vẻ đẹp khác thường ".
Việt Nam là một quốc gia của các nhà thơ, của các chiến binh và của những con người thánh thiện. Lao động, thi ca và đời sống tâm linh tạo thành cốt lõi trung tâm của tất cả các hoạt động của họ.
Năm thế kỷ trước, một vị vua Việt Nam là Lê Thánh Tông, một trong những vị vua được nhân dân kính yêu, đã lãnh đạo thắng lợi cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nước ngoài . Ông là một chiến binh, nhưng trái tim của ông yêu hòa bình. Giống như ông, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình , không thích chiến tranh, họ chọn cách làm thơ thay vì đi tới trận mạc.
Văn học và thơ ca đã được hát vang trong nhiều thế kỷ và được thể hiện như hình thức trung tâm của năng lượng tâm linh và văn hóa của người Việt.
Nhưng ngay cả trong những thời khắc bình yên hiếm hoi của các cuộc chiến ác liệt ,với thơ ca và tiếng hát, người Việt đã gieo trồng và thu hoạch mùa màng, và cùng nhau xây dựng một xã hội tự do.
"Thơ được tách ra từ mặt đất với mồ hôi, như lúa gạo" là một câu nói của các nhà thơ nông dân, người dân làng Chùa, một làng quê nằm cách quãng đường khoảng một giờ từ trung tâm Hà Nội.
Thi ca là vụ gìeo trồng và là mùa thu hoạch của ngôn ngữ, và cũng là vụ gieo trồng và mùa thu hoạch thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể của người dân.
***
Điều này nên được xem xét lại ở Colombia. Để phát triển một nền văn hóa mới ở đất nước này, chúng ta phải viết một bài thơ mới và một nền văn học mới, làm lại một nền nghệ thuật mới, một bài hát mới và một nhịp điệu mới; chúng ta phải phát triển một nền nghệ thuật và triết lý tập thể, một tinh thần cống hiến cho sự nghiệp chung và làm việc, để tạo lên một sự chuyển hóa tinh thần và xã hội.
Chúng ta phải mang thi ca trong mọi hành xử, và phát triển hàng ngàn hình thức của ngôn ngữ và của các quan hệ huynh đệ mới giữa chúng ta và nhân dân .
Đây là bản chất của sự đoàn kết của chúng ta và phải là một bản sắc của chúng ta (trong tư tưởng, chính trị, đạo đức, xã hội, văn hóa và tinh thần: như là một khối thống nhất).
Thi ca là một lực lượng có tính hiệu triệu rất lớn của xã hội.
Chúng ta không phải là những người sáng tạo ra thơ ca, chúng ta là những người con của thi ca.
Thơ liên kết chúng ta và đem chúng ta lại với nhau. Thi ca là lịch sử tâm linh của dân tộc và những thử thách lớn nhất của tinh thần con người.
Những nhà thơ vĩ đại là những người đã viết lịch sử cổ đại. Như Homero là nhà thơ dã sử lớn nhất của Hy Lạp.
Không ai mô tả một cách sâu sắc các tinh thần khai hóa của thời Trung Cổ như Dante Alighieri và như Giovanni Boccaccio.
Như William Blake đã nói,:" các nhà thơ tôn vinh sự tồn tại của con người từ thời cổ đại với những bài hát thiêng liêng của họ, điều này đã bị đánh cắp bởi các nhà lãnh đạo các tôn giáo, và tạo dựng lên những chế độ nô lệ của ý thức".
Các nhà thơ như Arthur Rimbaud, Heinrich Heine, Vladimir Mayakovsky, Nazim Hikmet, Bertolt Brecht, Luis Vidales, và các du sĩ ca khác, họ kêu gọi nhân dân xây dựng một kỷ nguyên mới với những bài thơ tuyệt vời của mình. Carlos Marx, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Che Guevara cũng là những nhà thơ.
Thơ ca là tinh thần của nhân dân, và tinh thần trung tâm của mọi nghệ thuật.
Thi ca là cội rễ của triết học từ nhiều thế kỷ trước đây và đề xuất một lịch sử mới, trở thành nền tảng đặc sắc của một chủ nghĩa không tưởng lãng mạn nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Vì vậy , chúng ta phải thi ca hoá mọi chính sách của chúng ta, mọi ngôn ngữ của chúng ta, mọi trận chiến của chúng ta cho những sự đổi thay của xã hội.
Không một chút do dự, chúng ta phải đề cao các giá trị và các bản sắc văn hoá của chúng ta, chúng ta phải luôn luôn mang trong tâm trí gốc rễ nguyên thủy bản địa của chúng ta, như chúng ta tưởng nhớ với sự khâm phục tới Amauta José Carlos Mariategui, tới các họa sỹ tranh tường người Mexico: Diego Rivera và José Clemente Orozco, các tiểu thuyết gia José María Arguedas và Juan Rulfo, trong số những nhà tư tưởng vĩ đại khác, các nhà văn và nghệ sĩ Mỹ Latin.
Chúng ta phải tự hào và phải hiểu được cách thức mà những người bản địa phát triển một tình yêu và sự tôn trọng đối với Trái đất, Người Mẹ của tất cả mọi hoạt động, chúng ta chỉ khai thác vừa đủ tài nguyên từ đất mẹ cho gia đình, cho các công việc cộng đồng, và luôn luôn tôn trọng lẫn nhau, chúng ta phải chăm sóc có trách nhiệm các nguồn nước, chúng ta phải liên kết các giá trị văn hóa cổ xưa với hiện tại và tổng động viên cho việc bảo tồn và bảo vệ Trái đất chống lại các hành động săn mồi của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Khi nhà thơ Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều được mời tham dự các Liên hoan Thơ quốc tế của Medellín, một nhà báo Colombia hỏi câu hỏi - "thơ có thể khắc phục những gì chiến tranh đã gây ra cho một đất nước?"; Ông trả lời:
"Chắc chắn rồi, vì những vết thương chiến tranh lớn là những vết thương vẫn còn tồn tại trong tâm hồn của người dân. Và thơ là liều thuốc duy nhất để điều trị những cơn đau của tâm hồn. Bằng chứng cho điều này là người Việt Nam có thể sống với nạn đói trong hàng ngàn năm, nhưng họ không thể sống với nạn đói trong tinh thần dù chỉ một ngày. Trong chiến tranh có một khẩu hiệu ". Tiếng hát át tiếng bom." Trong các cuộc chiến tranh, rất nhiều nhà thơ, nhà văn, đã đi vào mặt trận như những người lính không phải để tiêu diệt kẻ thù, mà để viết về cuộc đấu tranh cho tự do và đọc thơ cho các chiến sỹ. Thơ mang lại cho họ niềm tin vào ngày mai. Nếu người Việt Nam không có niềm tin đó, họ không thể đi qua những nỗi sợ hãi và qua máu chảy trong hàng trăm năm. "
Fernando Rendon (nhà thơ Colombia)
Chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế Medellín, Colombia
Chủ tịch Phong trào thơ thế giới
Cuối cùng, tôi xin ghi lại bài thơ tôi viết những ngày ở Việt Nam vừa qua.
VIỆT NAM
Fernando Rendon
Kính tặng những người nông dân làng Chùa
kính tặng nhà thơ Hữu Thỉnh
nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
và người bạn của tôi: anh Long Quận.
Những người nông dân làng Chùa,chúa tể của những vần thơ
họ uống những ly rượu tinh ngần được cất từ lúa gạo.
Để có được ngày hôm nay,
biết bao máu và nước mắt đã đổ xuống.
Họ buộc phải cầm súng chống lại quân thù
để giành lại cuộc đời
"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"
Những đôi môi mở ra
Những giai điệu diệu kỳ
Thấm vào các thính giác chúng tôi
Lớp lớp quân thù đã đến và buộc phải cút đi
Chúng giống như nạn đói
như giá rét
như cái chết.
"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"
Mỗi tiếng hát được bắt nguồn từ cội rễ thời gian
Cuộc kháng chiến trường kỳ của các bạn
nuôi dưỡng hy vọng lớn lao của nhân loại
Với máu lửa âm nhạc của các bạn gieo xuống
và gặt hái một đời sống mới.
Bởi vì:"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"
Mùa xuân lặng lẽ chuẩn bị với ngàn hoa
cho cuộc tổng phản công mãnh liệt của gieo trồng
Những người nông dân nghiêng mình trên những cánh đồng
Để cấy những cây lúa như đang vuốt ve Đất Mẹ
Những âm hưởng cuộc sống vang lên
trường tồn,
liên tục
nảy mầm bất tận
làm lay động những tâm hồn.
Nhưng đó là vì :"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"
Những làn hương khói
những mâm ngũ quả
những bông hoa,những chén nước và biết bao ẩm thực
Ngập tràn trên các ban thờ tổ tiên
Ngôn ngừ cày cấy
Nhũng hạt đời bật mầm
giữa trùng trùng thách thức
và gian khó tột cùng.
Việt Nam
Người là Con đường
Hãy mang chúng tôi trở về!
Hà Nội, Việt Nam
Tháng 3/2015
(Phạm Long Quận dịch)