Thời gian qua, ngành Thống kê đã làm được rất nhiều việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội như: đánh giá tiềm lực của nền kinh tế, đánh giá lại quy mô GDP, thực hiện đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát; tổ chức thành công với nhiều nét đổi mới, đột phá trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Cùng đó, thực hiện tốt, đảm bảo chất lượng các cuộc điều tra; biên soạn báo cáo tình hình kinh té xã hội tháng, quý, năm phản ánh sát thực những nét đặc trưng của nền kinh tế…

Ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1803/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu Tổng quát đó là: Đưa Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở hoàn thiện hệ thống tổ chức, bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng đồng bộ phương pháp thống kê tiên tiến và tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm qua ngành Thống kê Việt Nam luôn bám sát vào mục tiêu và nội dung của 9 chương trình hành động, sáng tạo vượt mọi khó khăn chủ động để tổ chức khá thành công Chiến lược. Thống kê Việt Nam ngày càng hiện đại, có uy tín trên thế giới và khu vực, niềm tin của người sử dụng thông tin thống kê ngày càng cao hơn.

{keywords}
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, phát triển, Thống kê Việt Nam còn những hạn chế và phải vượt qua những thách thức không nhỏ như: chất lượng nhân lực, vai trò của thông tin dữ liệu ngày càng tăng trong nền kinh tế số và xã hội số, sự cạnh trang từ các tổ chức thống kê ngoài nhà nước… 

Theo báo cáo, 10 năm qua, Thống kê Việt Nam đã đạt được những mục tiêu cơ bản sau: (1) Khung pháp lý được hoàn thiện; (2). Cơ cấu tổ chức được đổi mới và hoàn thiện; (3). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao ( 93,39% công chức, viên chức có trình độ từ đại học trở lên, tăng 26 điểm % so với năm 2010). (4). Áp dụng phương pháp thống kê hiện đại; (5). Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thống kê. (6) Hệ thống thông tin thống kê thống nhất và thông suốt; (7) Chất lượng thông tin ngày càng cao; (8) Năng lực của thống kê Việt Nam được nâng lên:  Chỉ số năng lực thống kê năm 2019 của Việt Nam đạt 78,89 điểm, tăng 14,44 điểm so với năm 2010, xếp thứ 19 trong tổng số 145 nước (tăng 12 bậc so với năm 2010)...

Chính vì vậy, việc đánh giá lại hiện trạng Thống kê Việt Nam, nghiên cứu xu hướng thống kê thế giới và xác định các định hướng trong Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn tiếp theo là rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực thống kê kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, là một lĩnh vực trong hoạt động sản xuất thống kê, thống kê kinh tế liên quan đến tất cả các bước trong quy trình sản xuất thông tin thống kê, bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất ra các thông tin thống kê mô tả trạng thái và chuyển động của các hiện tượng kinh tế, cả về thời gian và không gian.

Việc phân chia rạch ròi ranh giới giữa các hoạt động thống kê kinh tế và các hoạt động thống kê xã hội, thống kê môi trường là rất mong manh bởi hầu hết các số liệu thống kê trong các lĩnh vực thống kê đều có mối liên hệ với nhau.

Bởi, mục đích của thống kê kinh tế là nhằm cung cấp thông tin để người sử dụng phân tích hành vi của các nhà điều hành kinh tế, dự báo những chuyển động có thể xảy ra của nền kinh tế nói chung, thực hiện chính sách kinh tế và các quyết định kinh doanh, cân nhắc ưu và nhược điểm của phương án thay thế đầu tư…

Bên cạnh đó, thống kê kinh tế cũng nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế.

Thống kê kinh tế có tầm quan trọng to lớn như vậy, trong 10 - 25 năm tới cần có những định hướng phát triển như thế nào để đáp ứng nhu cầu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung và Chiến lược phát triển thống kê nói riêng, .

Hồng Liên