Dù không phải loại đầu tiên trên thị trường (Asahi Optical giới thiệu mẫu máy ảnh ống rời SLR 35mm đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1952), sự bền bỉ và tính năng hiện đại của Nikon F đã giúp Nikon được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp yêu mến và biến SLR thành công nghệ được ưa chuộng trong nhiều năm.

Một minh chứng cho thành công của Nikon chính là tất cả nhiếp ảnh gia trong khu vực báo chí của Thế vận hội Tokyo 1964 đều mang theo một chiếc Nikon F.

Dù vậy, máy ảnh SLR đã phải nhường chỗ cho máy ảnh không gương lật. Nikon quyết định từ bỏ thị trường này, tiếp bước các đối thủ Sony và Canon. Như vậy, kỷ nguyên SLR đã chấm dứt.

{keywords}
Hành trình phát triển máy ảnh của Nikon đến năm 2016. (Ảnh: Nikon Rumors)

Lịch sử của Nikon có trước F hàng thập kỷ. Năm 1917, tiền thân của Nikon – Nippon Kogaku – ra đời, chuyên sản xuất thiết bị quang học và kính tiềm vọng tàu ngầm, kính ngắm đại bác trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, công ty chuyển hướng sang máy ảnh với sự xuất hiện của Nikon Model I.

Đã có nhiều ví dụ mang tính huyền thoại về độ bền máy ảnh Nikon. Chẳng hạn, một nhiếp ảnh gia đưa tin về chiến tranh Việt Nam được cứu sống nhờ viên đạn găm vào máy ảnh, hay một chiếc máy ảnh Nikon hoạt động bình thường dù nằm trong con tàu đắm. NASA cũng đưa Nikon lên vũ trụ trong nhiệm vụ Apollo 15 năm 1971.

Máy ảnh SLR bao gồm một gương phản xạ, chiếu hình ảnh từ camera vào kính ngắm. Tính năng này giúp SLR lấy được thị phần từ máy ảnh rangefinder của Đức. Các mẫu SLR giá rẻ, hiệu suất cao như Canon AE-1 hay Olympus OM-1 đã giúp công nghệ phổ biến hơn với những người tiêu dùng thông thường.

Cuộc chuyển dịch từ máy ảnh phim sang kỹ thuật số cũng giúp SLR củng cố vị trí. Nikon ra mắt D1, mẫu SLR kỹ thuật số (DSLR) đầu tiên vào năm 1999. Nhờ số lượng linh kiện ít hơn so với máy phim, Nikon có thể sản xuất hàng loạt dễ dàng hơn và mở rộng thị phần với các mẫu máy hướng tới gia đình.

Nếu máy ảnh SRL dùng phim lập kỷ lục doanh số 1,28 triệu máy vào năm 1980, doanh số DSLR năm 2012 là 16,2 triệu. Báo cáo năm 2010 từ chính phủ Nhật đặt máy ảnh kỹ thuật số ngang hàng với xe hơi. Đây là hai ngành mà Nhật vẫn có lợi thế, ngay cả khi các ngành khác đã mất chỗ đứng trước Hàn Quốc và Đài Loan.

Dù vậy, thành công của Nikon SLR cũng không thể duy trì khi các hãng khác chuyển sang máy ảnh không gương lật (mirrorless). Panasonic ra mắt một trong các máy ảnh mirrorless đầu tiên vào năm 2008, theo sau là Sony và Samsung.

Một trong những lý do Nikon chậm trễ gia nhập thị trường là lo ngại ảnh hưởng đến người dùng máy ảnh SLR. Công ty đã phát triển một dòng ống kính toàn diện trong hơn 6 thập kỷ và khi dùng trên máy ảnh không gương lật sẽ cần tới bộ chuyển đổi, gây phiền toái cho người dùng.

Trong khi đó, Sony nhảy vào thị trường máy ảnh kỹ thuật số với việc thâu tóm bộ phận camera của Konica Minolta năm 2006 để tận dụng công nghệ cảm biến ảnh. Máy ảnh Sony cất cánh sau năm 2013 nhờ Alpha 7, mẫu máy ảnh không gương lật full-frame, ngang hàng với linh kiện hàng đầu trong DSLR. Sony vượt qua Canon dẫn đầu đầu thị trường máy ảnh có thể hoán đổi ống kính (interchangeable-lens) vào năm 2020, còn Nikon xếp thứ ba, theo Techno Systems Research.

Thị trường máy ảnh kỹ thuật số sụt giảm nhanh chóng cộng với sự chần chừ của Nikon khiến công ty bị tác động nghiêm trọng. Bộ phận sản phẩm hình ảnh rơi vào tình trạng “báo động đỏ” trong năm tài khóa 2019 với khoản lỗ hoạt động 17,1 tỷ yen (125 triệu USD). Năm tiếp theo, lỗ tăng gấp đôi lên 35,7 tỷ yen.

Theo kế hoạch tái cấu trúc đưa ra tháng 11/2019, Nikon đóng cửa hai nhà máy liên quan tới máy ảnh tại Nhật và giảm nhân sự ở nước ngoài. Quy mô máy ảnh cho người mới bắt đầu cũng bị thu hẹp, tập trung vào thị trường dành cho dân chuyên và người có đam mê.

Năm 2018, Nikon trình làng Z7, mẫu máy ảnh mirrorless cao cấp dành cho người đam mê chụp ảnh và Z9 vào năm 2021. Ngừng phát triển máy ảnh SLR sẽ giúp Nikon dồn lực cho máy ảnh không gương lật để cạnh tranh tốt hơn.

Hiện nay, Sony đứng đầu thị trường này, xử lý mọi thứ từ thiết kế đến phát triển cảm biến ảnh cho tới sản xuất. Khi điện thoại chụp ảnh ngày một đẹp hơn, Nikon gặp thách thức lớn trên con đường phục hồi bộ phận máy ảnh của mình.

Du Lam (Theo Nikkei)

Thua kiện Nokia, Oppo có thể bị cấm bán tại Đức?

Thua kiện Nokia, Oppo có thể bị cấm bán tại Đức?

Sau khi thua kiện Nokia, Oppo có thể bị cấm bán một số mẫu smartphone thương hiệu Oppo và OnePlus tại Đức.