Ninh Bình là một tỉnh cực Nam đồng bằng Bắc Bộ với diện tích khoảng 1.411 km2, dân số khoảng 1 triệu người, có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, lễ hội như Khu danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm, Lễ hội Hoa Lư...
Nhiều năm qua, Ninh Bình xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, do đó công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và thực hiện, cùng với đó là sự tích cực hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm hút khách du lịch bằng môi trường xanh – sạch – đẹp.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cho biết: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn khoảng 560 tấn/ngày, chất thải từ khu vực đô thị chiếm khoảng 35%, khu vực nông thôn khoảng 65%. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đã đạt được nhiều kết quả, góp phần làm thay đổi cảnh quan môi trường các khu dân cư, nơi công cộng; người dân được sống trong môi trường trong lành, sạch đẹp. Đến nay, tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý đạt khoảng 87%.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cũng cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 3 khu xử lý chất thải. CTRSH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (khoảng 75% khối lượng), còn lại là xử lý thành mùn hữu cơ (khoảng 23% khối lượng) và đốt trong lò đốt rác (khoảng 2% khối lượng).
Việc chôn lấp chất thải tại các bãi rác mặc dù có chi phí xử lý thấp nhưng chiếm diện tích lớn, trong khi quỹ đất để xử lý chất thải ngày càng hạn chế, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do thời gian xử lý kéo dài. Hiện bãi rác của tỉnh đã quá tải do lượng chất thải tập kết về lớn hơn nhiều so với thiết kế; việc đầu tư xây dựng bãi rác mới là không khả thi do các nguy cơ ô nhiễm môi trường, các địa phương có quy hoạch khu xử lý chất thải không chấp thuận phương án chôn lấp.
Việc xử lý các loại chất thải thực phẩm thành mùn hữu cơ tại các cơ sở xử lý hoặc các hộ gia đình giúp giảm khối lượng chất thải phải xử lý như chôn lấp, đốt, đồng thời tận dụng nguồn mùn hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường. Để nâng cao hiệu quả của công nghệ này, cần phải tăng cường phân loại chất thải tại nguồn, giúp giảm thiểu chi phí xử lý và tình trạng ô nhiễm trong quá trình thu gom, vận chuyển. Mặt khác, việc phân loại chất thải tại nguồn cũng giúp nâng cao chất lượng mùn hữu cơ do không bị lẫn tạp chất.
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã thu hút đầu tư xây dựng 1 nhà máy điện rác công suất 500 tấn/ngày, công suất phát điện 15MW. Xử lý chất thải bằng công nghệ đốt phát điện giúp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải, giảm thiểu lượng chất thải phải chôn lấp, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tận dụng năng lượng từ rác thải. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng nhà máy điện rác cần nguồn kinh phí lớn và phải quản lý chặt chẽ chất lượng khí thải, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung rác thải để nhà máy hoạt động ổn định.
Có thể nói, ngoài việc nâng cao ý thức trong việc phân loại và tổ chức hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển, thì việc đầu tư xây dựng các khu xử lý CTRSH là nội dung rất quan trọng để đảm bảo xử lý chất thải đáp ứng các yêu cầu kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Để nâng cao chất lượng quản lý CTRSH, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải, Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình đề xuất cần thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; tận dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón hữu cơ trong phạm vi thôn, xóm, xã để giảm thiểu chi phí vận chuyển, xử lý và nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó là lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với thực tế của từng địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có định hướng cụ thể về công nghệ xử lý chất thải; triển khai nhân rộng các mô hình xử lý có công nghệ tiên tiến, hiệu quả để các địa phương nghiên cứu, thống nhất áp dụng, tránh đầu tư lãng phí.