Tại huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình), xã Văn Hải là địa phương được đánh giá có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai các chính sách giảm nghèo. Lãnh đạo xã cho biết để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, ngoài việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo đa chiều, điều quan trọng là phải khơi dậy nội lực trong nhân dân, hướng cho người nghèo làm chủ cuộc sống.

Xã Văn Hải chú trọng trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo… Song song với đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, phát huy lợi thế vùng ven biển, tích cực xây dựng mô hình trang trại nuôi thủy sản tổng hợp.

Không ít gia đình mạnh dạn khai thác diện tích đất nông nghiệp với nhiều cây trồng mới hiệu quả. Nhiều nông dân đã làm giàu từ nghề nông, không ít hộ thoát nghèo nhờ mô hình trang trại tổng hợp. 

Lo cho người nghèo an cư, quan tâm giải quyết chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, xã Văn Hải có 4/8 hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ, trong đó 3 hộ được hỗ trợ xây mới. Gia đình bà Trần Thị Duyên, xóm Bắc Cường, là một trong số đó. Ngoài việc được hỗ trợ xây nhà kiên cố, gia đình bà còn được hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà sinh học, bảo đảm năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện, thoát nghèo. 

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2023 của xã Văn Hải giảm còn 2,66%. Nhiều người nghèo ở Văn Hải đã vươn lên thoát nghèo.

Trên toàn tỉnh Ninh Nình, ngoài việc thực hiện các dự án của Chương trình và các chính sách giảm nghèo chung của Trung ương, tỉnh còn dành nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 929 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.

Riêng trong năm 2023, Ninh Bình hỗ trợ xây mới và sửa chữa 495 căn nhà (327 nhà xây mới; 168 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 49,1 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước 41,1 tỷ, vốn huy động và đối ứng của người dân 8,01 tỷ đồng). 

Năm 2024, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 424 căn nhà với tổng số tiền 78,5 tỷ đồng. Với mức hỗ trợ cao nhất cả nước hiện nay là 100 triệu đồng/căn nhà xây mới, 50 triệu đồng/căn nhà sửa chữa. 

ninh binh.jpg
Nông dân, người nghèo, cận nghèo ở Ninh Bình được địa phương hỗ trợ tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. 

Tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2021 đến nay, trên 43.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. 

Quan tâm giải quyết chiều thiếu hụt về y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên 430.000 đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình ở tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ đóng BHYT với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng giải quyết cho 9.373 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên... được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với tổng kinh phí là 883 tỷ đồng. Qua đó, hơn 15.400 hộ được vay vốn xây dựng nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 309 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ hàng tháng cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đảm bảo mức sống trên mức chuẩn nghèo hiện hành. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.397 lượt hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách tỉnh với số kinh phí trên 26,43 tỷ đồng. 

Nhờ những nỗ lực đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Bình giảm mạnh trong 3 năm qua, từ 3,07% (năm 2021) còn 1,86% vào cuối năm 2023. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99%.