Xã A Mú Sung từng là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đến nay, nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã đã vươn lên giảm nghèo nhờ phát triển chăn nuôi, trồng trọt chính những sản vật là thế mạnh của địa phương.

Trong năm 2023, xã đã có 50 hộ thoát nghèo, trong đó có 10 hộ thoát nghèo thành công nhờ học tập, phát triển thành công mô hình nuôi lợn đen bản địa. Trước đó, gia đình anh Lò Láo Tả, thôn Tùng Sáng, được xem là hộ tiên phong trong mô hình này. Hiện tại, gia đình anh Tả có nguồn thu nhập ổn định 150-200 triệu đồng/năm.

Tại các thôn Ngải Trồ, Phù Lao Chải và Lũng Pô của xã A Mú Sung, năm 2024, nhiều gia đình mạnh dạn đăng ký đầu tư phát triển trang trại nuôi lợn đen theo mô hình này. Xã đang xây dựng thương hiệu lợn đen bản địa của địa phương.

Trên toàn huyện Bát Xát, đầu năm 2023, theo rà soát huyện có 6.546 hộ nghèo (chiếm 37,11%); đến cuối năm 2023 toàn huyện giảm 1.220 hộ, tương đương tỷ lệ giảm khoảng 6,8% (vượt so với kế hoạch là 137 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2023 là 30,3%.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Bát Xát đã giảm được 809 hộ (tương đương 4,5% số hộ nghèo của huyện). Huyện này đặt mục tiêu hết năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo về còn 25,28%.

Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa. Trong đó, huyện dự định xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn nái tập trung để cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi tại địa phương; hỗ trợ một phần con giống cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn... Song song với việc phát triển chăn nuôi, huyện đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen Bát Xát.

Một số mô hình khác tại huyện Bát Xát cũng được mang lại hiệu quả nhờ phát huy phát triển sản vật địa phương như trồng cây lê trên diện tích 383 ha, tập trung chủ yếu tại xã Nậm Pung, Pa Cheo, Y Tý,…; cải tạo, thâm canh, phát triển và sản xuất chè; trồng cây quế; hợp tác xã du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa của người Hà Nhì, người Dao đỏ, người Mông... Những mô hình này đang bước đầu mang lại thu nhập cho người dân.

W-giam ngheo.jpg
Cuộc sống người dân các địa phương Tây Bắc bộ có nhiều đổi thay nhờ các chính sách giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Tại huyện vùng cao Mường Khương, để giảm nghèo, địa phương đã có những giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng địa bàn, trọng tâm là phát huy nội lực của chính đồng bào các dân tộc, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Huyện đặc biệt tập trung vào 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh: La Pán Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngài Chồ, Dìn Chin và Lùng Khấu Nhin. Từ đó, tại các xã này, tỷ lệ giảm nghèo bình quân năm 2023 đều đạt trên 9%.

Năm 2023, gia đình anh Sùng Thắng ở thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn, đã thoát nghèo thành công nhờ chuyển sang nuôi lợn đen. Mỗi năm, gia đình anh xuất khoảng một tấn thịt lợn đen, thu về 60-70 triệu đồng, đồng thời chuyển đổi 0,6 ha trồng ngô sang trồng chè cũng thu hoạch xấp xỉ 20 triệu đồng.

Mạnh dạn chuyển đổi cùng sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng, tổng thu nhập của gia đình mỗi năm đã tăng lên khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với trước đây. Quan trọng hơn, nhờ có việc làm, cuộc sống của gia đình anh ổn định, tự lập.

Theo lãnh đạo xã La Pán Tẩn, phương thức thoát nghèo tại đây là vận động người dân trồng chè, nuôi lợn đen - những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hơn so với trước đây. Đơn cử như việc nuôi lợn đen trước đây chỉ nhỏ lẻ, manh mún, nay mở rộng quy mô bằng cách xây dựng mô hình “gia trại” quy mô từ 20-30 con, vì thế từ đàn lợn đen từ 1.000 con, nay đã lên hơn 4.000 con.

Lào Cai phấn đấu giảm ít nhất 4% hộ nghèo trong năm 2024

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 đạt trên 4% theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Riêng với các huyện nghèo, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,6% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44,6 triệu đồng/năm.

Địa phương thuộc khu vực Tây Bắc bộ này cũng phấn đấu trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất.

Đáng chú ý, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 200 người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo; trong đó có khoảng 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo).

100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn xuống dưới 27,2%...