Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất, nuôi trồng tiến bộ tạo ra những nông sản chất lượng, an toàn. Nhưng để tiếp cận được thị trường, chứng thực được sản phẩm của mình tốt hơn các nông sản đại trà khác là điều rất khó nếu không có các công cụ hiện đại, mà tem truy xuất nguồn gốc QR Code là một ví dụ.
Thời gian qua Sở Nông nghiệp & PTNT, đã hỗ trợ cho hàng chục đơn vị doanh nghiệp, HTX thực hiện dán tem QR Code lên sản phẩm, trong đó có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng hỗ trợ trực tiếp đối với 2 cơ sở sản xuất rau Vietgap ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô và xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh để dán tem QR Code. Tuy nhiên số lượng sản phẩm được dán tem QR Code vẫn là quá nhỏ so với tổng số sản phẩm, nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại cho biết: Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, người tiêu dùng có thể quét mã nhận diện sản phẩm mình định mua từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng và các chứng chỉ kèm theo.
Hoạt động này giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả, đồng thời, tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo tâm lý yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm.
Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc còn giúp cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu quý giá của mình, tránh tình trạng bị đánh cắp, sao chép thương hiệu hay gian lận thương mại từ các đối thủ; làm tiền đề chuẩn hóa các sản phẩm khi tham gia vào các chuỗi cửa hàng siêu thị. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như định hướng thị trường.