Năm 2009, Nhà máy nước Phước Hòa, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) được xây dựng, cung cấp nước cho 150 hộ dân khu tái định cư thôn Tà Lọt.
Ba năm sau, nhà máy được nâng công suất để cung cấp cho khoảng 300 hộ dân. Năm 2021, nhà máy tiếp tục được nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước lên công suất 100m3/giờ, nâng tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Bác Ái đạt 99,67%.
Đây là sự đổi thay rất ý nghĩa với người dân Ninh Thuận, đặc biệt là người đồng bào Raglai hay Chăm. Trước đây, đồng bào ở các huyện huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam… phải sử dụng nước từ sông suối để sinh hoạt.
Tình trạng thiếu nước diễn ra nặng nề vào mùa khô. Khi địa phương được đầu tư xây dựng nhiều nhà máy cấp nước sạch nông thôn, nước sinh hoạt được đấu nối dẫn đến tận nhà dân, nỗi lo cũng được hoá giải. Đời sống người dân nhờ vậy được cải thiện và nâng cao, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ninh Thuận đã quản lý, vận hành 42 nhà máy nước sạch, cung cấp cho 221/222 thôn của 40 xã.
Nước sạch là mối quan tâm rất lớn của các địa phương, đặc biệt ở nơi xảy ra hạn hán. Tỉnh Ninh Thuận xác định cấp nước sạch an toàn và vệ sinh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Năm 2023 tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra một số nội dung trọng tâm để thực hiện như sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có. Ưu tiên nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đầu tư cho các công trình nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn như các hồ Sông Cái, Sông Sắt, Sông Than, Sông Trâu, Tân Giang, đập dâng Tân Mỹ, sông Cái, sông Dinh... bảo đảm có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn cho các nhà máy nước vận hành thường xuyên.
Ninh Thuận đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 100 lít/người/ngày.
Tỉnh sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương, vốn tài trợ, vốn vay của các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn khác tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn, công suất từ 3.000-8.000m3/ngày, đêm.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển.
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 100 lít/người/ngày. Phấn đấu có 100% hộ dân nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định.
Tính đến tháng 9/2023, Ninh Thuận có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 sẽ tăng lên 38 xã, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số thôn đạt chuẩn nông thôn mới hiện có 38 thôn và có 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ninh Thuận sẽ tập trung hoàn thành 5 nhóm tiêu chí về quy hoạch; hạ tầng kinh tế – xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa – xã hội – môi trường và hệ thống chính trị. Dự kiến huy động trên 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để triển khai thực hiện đề án.
Tỉnh cũng thu hút đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác công tư và xã hội hóa; thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và vận động người dân tiếp tục tham gia hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.