Cùng với tiếng nói, trang phục là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đặc trưng rất dễ nhận biết của từng dân tộc, không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng riêng. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) đang dần bị mai một.

Tại các địa phương, phần lớn đồng bào DTTS không còn mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà chỉ mặc trong dịp lễ, Tết, lễ hội, đám hiếu, hỷ… Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ còn e ngại và không biết mặc các bộ trang phục của dân tộc mình đúng cách.

Ảnh minh họa

Hỏa Bình: Được sử dụng trang phục các DTTS để thay thế cho áo dài trong các ngày lễ

Năm ngoái, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện vận động, triển khai mặc trang phục truyền thống các DTTS tới các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động.

Cụ thể, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS mặc trang phục truyền thống đến công sở, cơ quan vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, trong các nghi thức quan trọng của ngành, của địa phương; ngày lễ, Tết hàng năm; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hàng năm;

Khuyến khích mọi người dân mặc trang phục truyền thống DTTS trong trong các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, thành phố, ngày hội, lễ cưới hỏi, ngày Quốc tế phụ nữ 08/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10… tiến tới mặc vào thứ 2 hàng tuần.

Đối giáo viên và học sinh các trường học, vận động, quy định 100% giáo viên, học sinh là người DTTS có trang phục truyền thống dân tộc đến trường, được phép sử dụng trang phục các DTTS để thay thế cho áo dài trong các ngày lễ, hội, ngày mít tinh kỷ niệm, khai giảng, bế giảng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Hòa Bình; cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đang công tác tại các phòng, ban, đoàn thể, đơn vị cấp huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, tuyên truyền, vận động mặc trang phục dân tộc đến công sở bắt đầu từ tháng 6/2021.

Đối với học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên các cấp, từ Tiểu học đến Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tuyên truyền, vận động mặc trang phục dân tộc đến trường từ tháng 9/2021.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và học sinh trên địa bàn thực hiện quyên góp ủng hộ trang phục dân tộc cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, vận động các tổ chức, doanh nghiệp may trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Hòa Bình cho cán bộ, nhân viên sử dụng trong hoạt động kinh doanh các khách sạn, nhà hàng và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2021.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị triển khai quán triệt kế hoạch đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vận động mặc trang phục truyền thống các DTTS trong các hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện xã hội, gia đình nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trang phục truyền thống các DTTS, góp phần “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền vận động mặc trang phục dân tộc đến Ban giám hiệu các trường trên địa tỉnh; có quy định vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc ít nhất 01 buổi/tuần tại các trường dân tộc nội trú và học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên là người DTTS tại các trường Tiểu học và THCS, THPT, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường thực hiện vận động quyên góp ủng hộ trang phục dân tộc cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường, đảm bảo tất cả học sinh là người DTTS đều có trang phục dân tộc đến trường. Đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất báo cáo UBND tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình, gương mẫu.

Bình Liêu: Mặc trang phục DTTS là niệm từ hào

Bình Liêu (Lạng Sơn) là huyện có trên 96 % là đồng bào dân tộc thiểu số, với 9 dân tộc cùng sinh sống. Hiện nay, việc mặc trang phục truyền thống của các dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày rất ít chỉ còn một vài dân tộc như Dao, Sán Chỉ còn duy trì, nhất là đối với thế hệ trẻ, việc mặc trang phục dân tộc đang ít dần.

Trước nguy cơ trang phục truyền thống của các dân tộc đang dần mai một, huyện đã có nhiều cố gắng trong cách làm mới để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để nét đẹp trong trang phục truyền thống không bị thế hệ trể nhất là các em học sinh lãng quên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phát động phong trào may và mặc trang phục dân tộc vào các ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Qua gần 5 năm triển khai việc mặc trang phục dân tộc đến lớp đã dần đi vào nề nếp, trở thành thói quen của thầy và trò các nhà trường trên địa bàn huyện.

Tại điểm trường Bản Ngày, trường Tiểu học Vô Ngại, hình ảnh các em học sinh, thầy cô giáo trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc với đủ các sắc màu đã trở nên quen thuộc. Trong trang phục áo đen, thắt đai trắng của dân tộc Tày, em Trần Thùy Linh, vui vẻ chia sẻ: “Trước đây em chưa bao giờ được mặc trang phục dân tộc mình mà chỉ biết đến qua các chương trình văn nghệ. Em rất thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc em vì trang phục này đẹp, thoải mái và chính bộ quần áo ấy giúp những bạn học, thầy, cô giáo và cả khách du lịch nhận ra em là người dân tộc gì”.

Được biết, phong trào mặc trang phục dân tộc trong trường học được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phát động đến tất cả các nhà trường trên địa bàn huyện. Việc mặc trang phục dân tộc không chỉ dừng lại ở các trường học mà lan tỏa đến đông đảo cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Để việc duy trì và sử dụng trang phục dân tộc dần đi vào cuộc sống, Năm 1999, Huyện ủy đã ban hành công văn số 1192 về việc triển khai mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, đơn vị nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, tạo nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu; UBND huyện ban hành công văn số 367 về việc triển khai mặc đồng phục và trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. 

Giờ đây ở Bình Liêu, việc mặc trang phục dân tộc đã trở nên phổ biến, trở thành niềm yêu thích, tự hào khi được khoác lên mình những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình.

Văn Điệp, Tuấn Anh, Tuấn Kiệt, Hồng Khanh, Kiều Oanh