Fantasy là thể loại văn học mở ra một thế giới mới lạ, người đọc được đắm chìm trong những câu chuyện bất tận về siêu nhiên, phép thuật cùng những sinh vật kỳ bí. Hấp lực của thế giới ma thuật giả tưởng không chỉ dành riêng cho trẻ em, độc giả thế giới từng lên cơn sốt với Peter Pan của James Matthew Barrie, Alice ở xứ sở thần tiên của Charles Lutwidge Dodgson; Harry Potter của J.K Rowling, hay Eragon cậu bé cưỡi rồng của Christopher Paolini cũng từng gây tiếng vang và chễm trệ trong danh sách những sách bán chạy trong 121 tuần không liên tiếp do New York Times bình chọn,….

Fantasy là một mảnh đất màu mỡ để khai phá, tiếc rằng, ở Việt Nam thể loại này lại đầy thách thức đối với các nhà văn và chưa tạo thành dòng sách mang dấu ấn riêng. Dù có những nhà văn tên tuổi của Việt Nam đã từng hạ cày xới đất như Nguyễn Nhật Anh, Phan Hồn Nhiên nhưng đây vẫn là mảnh đất cần nhiều hơn sự chăm bẵm vì hiện tại độc giả Việt vẫn phải tìm đến tác phẩm dịch để thỏa mãn cơn khát. 

{keywords}
Fantasy là một mảnh đất màu mỡ để khai phá, tiếc rằng, ở Việt Nam thể loại này lại đầy thách thức đối với các nhà văn và chưa tạo thành dòng sách mang dấu ấn riêng.

Màu mỡ tính dân tộc và huyền sử

Nhà văn Nguyễn Đình Tú là một trong những nhà văn thuộc thế hệ 7X có nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong dòng tiểu thuyết hiện đại. Từ năm 2002 đến nay anh đã cho ra đời 9 cuốn tiểu thuyết nổi bật như Hồ sơ một tử tù, Xác phàm,… Nhưng, từng đó chưa đủ vì anh luôn tâm niệm "ý thức tự thân luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới của bản thân nhà văn là sự trân trọng khán giả”. Tiểu thuyết viễn tưởng dành cho thiếu niên Bãi săn chính là sự tìm tòi, sáng tạo mới nhất của tác giả của Xác phàm.

Bãi săn ra đời cho thấy sự nỗ lực của anh trong việc góp phần làm màu mỡ thêm tác phẩm giải trí lành mạnh giành cho thiếu nhi. Một tác phẩm thuần Việt!

Lịch sử Việt Nam qua nhiều thế kỷ có biết bao câu chuyện kỳ ảo đặc sắc. Muốn khơi mạch dòng chảy văn học fantasy phải biết khai thác những dữ liệu quý báu đó. Tác phẩm văn học sẽ vững vàng trên vỉa tầng trầm tích văn hóa dân tộc. Không gì thuyết phục người đọc Việt bằng những biểu tượng văn hóa Việt như Con rồng cháu tiên, Thánh Gióng,… Sang đến Bãi săn tập 2 với tựa đề: Phản đồ, những yếu tố dân tộc còn dày đặc hơn nữa từ tích truyện được tái tạo nhuần nhuyễn như thiền sư Minh Không chữa bệnh hóa hổ cho vua; giai thoại về Yết Kiêu, Phạm Nhan… đến những tranh đấu cung đình đầy tính kỳ ảo, qua ngòi bút của Nguyễn Đình Tú đã trở thành những nút thắt-mở cho cuộc đại chiến chính-tà vượt thời gian.

Truyền thống, lịch sử đan cài với bối cảnh không gian và thời gian hiện đại khiến cho người ta nửa tin, nửa ngờ. Thành phố Tô Lịch, trường đại học Đế Đô, Không Lộ tự, Đền Thánh Mẫu… đều là những địa danh được hư cấu trong tác phẩm, nhưng chúng cũng khiến người đọc liên tưởng đến những nơi chốn có thực. Một chút khôn khéo của người viết khi cài cắm những quả trứng phục sinh để khơi gợi trí tò mò của những độc giả ham phiêu lưu, vì đằng sau những cái tên đó là kho tàng những câu chuyện huyền sử cho đến nay vẫn làm đau đầu các nhà sử học.

Số phận đã được định đoạt?

Nhân vật trong câu chuyện của Nguyễn Đình Tú là những người trẻ, họ dấn thân vào cuộc phiêu lưu một cách ngẫu nhiên hay số phận đã được quyết định? Nếu họ không có tài năng, sự tò mò, liều lĩnh của tuổi trẻ cuộc phiêu lưu của thợ săn người thú người thường có hấp dẫn đến vậy? Trong cuộc phiêu lưu đó họ dần trưởng thành, các mối quan hệ tình cảm được phát triển. Tuy nhiên, hơi tiếc khi tuyến tình cảm trong Bãi săn xây dựng và phát triển có phần gấp gáp, khiên cưỡng.

Tình cảm trong trẻo, ngây ngô của Minh Tín - Aika, Bảo Huy – Huyền Như kể lại có phần mờ nhạt, thỉnh thoảng được nhắc tới bằng một vài dòng ngắn ngủi chứ không đào sâu vào tâm lý và có điểm mốc thăng hoa. Dẫu biết, Bãi săn lấy tuyến tranh đấu Chính - Tà là chính nhưng sau những phút cao trào căng thẳng nên chăng có sự mềm mại, bay bổng của tình yêu để cân bằng cảm xúc cho người đọc, tạo tiếng cười vui thích trước những hành động ngây ngô của các cô cậu sinh viên bắt đầu biết yêu.

Một nhà văn chuyên viết đề tài trinh thám – hình sự đã dấn thân thử sức mình ở một mảng đề tài hoàn toàn mới, không chỉ mang ý nghĩa Nguyễn Đình Tú đã ý thức cần khoác lên một màu áo mới còn khơi nguồn cho bước chuyển mình của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Nếu nói fantasy là thể loại khiến người đọc được đắm chìm trong những câu chuyện bất tận về siêu nhiên, phép thuật cùng những sinh vật kỳ bí Nguyễn Đình Tú đã làm tốt điều này, anh khiến người ta chấp nhận thế giới do mình tạo ra một cách tự nhiên, chấp nhận những điều lý tính không thể lý giải.

Tình Lê

Ra mắt 'Phi công Mỹ ở Việt Nam' phiên bản tiếng Anh

Ra mắt 'Phi công Mỹ ở Việt Nam' phiên bản tiếng Anh

Ngày 12/7 tại Hà Nội sẽ diễn ra buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử trong “American Pilots in Vietnam” (“Phi công Mỹ ở Việt Nam” - phiên bản tiếng Anh).