Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện nay có gần 6 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập trên thế giới.

Cộng đồng người Việt Nam luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển trên đất nước sở tại và cũng không quên trách nhiệm, tình yêu đối với Tổ quốc. Tuy nhiên, vấn đề gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào có nhiều trở ngại do con em kiều bào phải học theo những chương trình và bằng ngôn ngữ của các nước sở tại…

w 20230721 113126 1 716.jpg
Trại hè Việt Nam dành cho thanh thiếu niên kiều bào do Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm nhằm giúp các em có cơ hội học tiếng Việt nhiều hơn. 

Trước nguy cơ mai một tiếng Việt trong thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3… Đảng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị tiếng Việt trên thế giới. Ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14 phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.

Với rất nhiều nỗ lực cả ở trong và ngoài nước, việc dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. 

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo biên soạn, thiết kế, chế bản in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Năm 2020, tiếp tục tổ chức biên soạn bộ sách học song ngữ Việt - Anh cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ năm 2023, ngày 8/9 hằng năm được chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động phong phú nhằm cổ vũ khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài học tập và sử dụng tiếng Việt.

Cũng trong năm 2023, phát triển rộng khắp Tủ sách tiếng Việt tại nhiều quốc gia, đã khai trương tủ sách ở Hungary và Nhật Bản, chuyển sách đến nhiều thư viện của cộng đồng các nước như Áo, Bỉ…

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức rất nhiều các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào gồm các giáo viên, tình nguyện viên ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại Hà Nội. Trong 10 năm kể từ 2013, đã đào tạo được hơn 800 giáo viên, tình nguyện viên trở thành những nòng cốt hết sức quan trọng góp phần tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở các địa bàn khác nhau.

Các lớp tập huấn thường diễn ra vào tháng 8 hằng năm. Mỗi khóa tập trung khoảng 70 đến 100 bà con Việt kiều đào tạo về kỹ năng giảng dạy tiếng Việt, bồi dưỡng các kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ. Năm 2020, lớp tập huấn buộc phải tạm dừng do dịch Covid-19. Năm 2021, dù dịch bệnh tràn khắp các quốc gia, lớp tập huấn vẫn tổ chức theo hình thức trực tuyến thu hút hơn 400 bà con kiều bào tham gia. Điều này minh chứng về khát vọng đóng góp cho công tác tiếng Việt tại các địa bàn của chính bà con rất lớn, rất đáng quý.

Sáng kiến này của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều hơn bà con kiều bào cơ hội tham dự, mở ra cơ hội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, trực tiếp là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức kênh giảng dạy tiếng Việt trực tuyến dành cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài đi vào hoạt động và đang tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, các cơ quan trong nước cùng các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và nhiều các cơ sở giáo dục, các hội đoàn liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài như Hội Ngôn ngữ học Việt Nam rất quan tâm, nghiên cứu, biên soạn nhiều giáo trình và tài liệu giảng dạy và học tập tiếng Việt cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán, lãnh sự quán, kiều bào và sinh viên tại các nước đã phối hợp tổ chức các lớp học tiếng Việt, trại hè tiếng Việt, cuộc thi tiếng Việt… Chương trình “Tiếng Việt vui” là mô hình dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng tại Liên bang Nga mà lực lượng giáo viên nòng cốt chính là sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Nga; Hay Cuộc thi “Em siêu tiếng Việt” do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney tổ chức.

Cùng với đó, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có đông người Việt sinh sống đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy như Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Slovakia… Điển hình là Trường song ngữ Lào - Việt Nguyễn Du (Lào).

Cộng đồng người Việt Nam tại Lào có khoảng 100.000 người, sinh sống tập trung tại Thủ đô Vientiane và các điểm dân cư lớn tại Trung và Nam Lào. Họ luôn chấp hành luật pháp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Lào, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Bà con rất chú trọng đến công tác dạy tiếng Việt cho con em, ngoài ở trường, các ngôi chùa Việt Nam, khu dân cư cũng có lớp dạy tiếng Việt vào mùa hè, vào buổi tối…

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông khẳng định, “Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, phản ánh, duy trì và lan tỏa bản sắc và tinh hoa văn hóa Việt Nam, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc và đại đoàn kết dân tộc... Việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc".

Năm 2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài. Có thể kể đến như chương trình tri ân các cá nhân, các gia đình và cộng đồng có đóng góp trong công tác tiếng Việt; Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài.