Huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% và một số làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhiều vùng dân tộc thiểu số của huyện không chỉ kinh tế - xã hội chậm phát triển mà còn tồn tại nhiều hủ tục, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa gần như một ốc đảo, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Cùng với đó, nguồn lực của địa phương còn hạn chế; đại dịch Covid-19 kéo dài khiến giá cả hàng hóa, vật tư nông nghiệp tăng mạnh; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp... là những rào cản trong xây dựng làng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số.

Để tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số, huyện Mang Yang đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mang Yang đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án để xây dựng làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số. 

anh man hinh 2024 02 17 luc 162356.png
Nỗ lực xây dựng làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số ở Mang Yang (Gia Lai). 

Huyện Mang Yang tổ chức cho đội ngũ cán bộ từ bí thư chi bộ, thôn trưởng, các chi hội đến lãnh đạo huyện tham quan, học tập xây dựng làng nông thôn mới ở huyện Phú Thiện (địa phương làm điểm của tỉnh); phân công cán bộ và các phòng chức năng của huyện giúp đỡ làng Brếp để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức xây dựng đường giao thông nông thôn; sửa chữa, xây mới cổng, hàng rào, công trình vệ sinh nhà văn hóa; lắp đặt các cụm loa phát thanh; hỗ trợ xây mới hai ngôi nhà cho gia đình chính sách; xây dựng các mô hình nuôi bò, dê, phát triển theo chuỗi sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo...

Từ năm 2019 đến 2023, huyện Mang Yang đã lập đề án xây dựng nông thôn mới ở 13 làng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, so với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đến nay chỉ có 7 làng và 4 xã đạt chuẩn, các làng khác còn một số tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường, an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư, y tế thôn bản... không đạt.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mang Yang xác định quyết tâm giữ vững 19/19 tiêu chí của 7 làng đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2022 và phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 15 làng đạt chuẩn, trong đó có 1 làng kiểu mẫu. 

Để đạt mục tiêu đề ra, cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, làm thay đổi căn bản nhận thức, tư tưởng của đồng bào, nhất là ý thức tự chủ, tự trọng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Phân công, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên phụ trách, giúp đỡ các làng vùng dân tộc thiểu số thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết "4 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động nguồn lực từ Trung ương đến tỉnh, huyện, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn nguồn lực của xã, nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tập trung cho xây dựng cảnh quan môi trường, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh...

Bích Thủy và nhóm PV, BTV