Baidu cho biết số lượng dự án người ảo mà họ đang làm cho khách hàng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021 với giá dao động từ 2.800 USD đến 14.300 USD. Người ảo tạo ra từ sự kết hợp giữa hình động, công nghệ âm thanh và máy học, có thể hát, thậm chí tương tác trên livestream. Những con người ảo đang xuất hiện ngày một nhiều trong không gian mạng Trung Quốc.
Li Shiyan, phụ trách bộ phận robotic và người ảo của Baidu, tiết lộ khách hàng bao gồm các công ty dịch vụ tài chính, doanh nghiệp du lịch trong nước và cơ quan báo chí. Do công nghệ đạt được tiến bộ, chi phí cũng giảm khoảng 80% từ năm ngoái. Chi phí thuê một người ảo 3D vào khoảng 100.000 NDT (14.300 USD)/năm và 20.000 NDT cho người 2D.
Li dự đoán ngành công nghiệp người ảo sẽ tăng trưởng 50% mỗi năm cho đến năm 2025.
Trung Quốc đang thúc đẩy việc phát triển người ảo. Tháng 8/2022, thành phố Bắc Kinh công bố kế hoạch biến nó thành ngành công nghiệp 50 tỷ NDT trước năm 2025. Quan chức Bắc Kinh kêu gọi gây dựng một hoặc hai “doanh nghiệp người ảo dẫn dắt” với doanh thu hoạt động hơn 5 tỷ NDT.
Mùa thu năm ngoái, các bộ ngành công khai chi tiết kế hoạch tích hợp thực tế ảo, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình, sản xuất. Kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc kêu gọi số hóa kinh tế, trong đó thực tế ảo và thực tế tăng cường đóng vai trò quan trọng.
Ngành kinh doanh nở rộ
Các nhãn hàng ở Trung Quốc tìm kiếm người phát ngôn thay thế sau khi hàng loạt ngôi sao vướng vào bê bối trốn thuế hay đời sống cá nhân. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu Kantar, ít nhất 36% người tiêu dùng đã được xem một người nổi tiếng ảo trình diễn trong năm 2022; 21% đã xem một người ảo dẫn chương trình hay sự kiện.
Năm nay, 45% các nhà quảng cáo nói có thể tài trợ cho một màn trình diễn của người nổi tiếng ảo hoặc mời họ đến tham dự sự kiện.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc đang phát triển sản phẩm cho ngành công nghiệp người ảo. Ứng dụng stream game và video Bilibili nằm trong số các công ty đầu tiên theo đuổi khái niệm người ảo. Bilibili đã mua lại nhóm đứng sau ca sĩ ảo Luo Tianyi. Ra mắt năm 2012, Luo Tianyi có gần 3 triệu người hâm mộ và còn trình diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022.
Bilibili cũng sở hữu nhiều người dẫn chương trình (MC) ảo. Từ năm 2019, khoảng 230.000 MC ảo đã có mặt trên nền tảng của công ty. Thời gian dẫn của họ năm ngoái tăng khoảng 200% so với năm 2021.
Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, Tencent cho biết đã phát triển ca sĩ ảo và người thông dịch ngôn ngữ ký hiệu ảo.
Ngay cả các công ty nhỏ hơn cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia thị trường. Chẳng hạn, startup Well-Link cuối năm ngoái thông báo đã phát triển mô hình người ảo cùng với Haixi Media.
(Theo CNBC)