Từ khi Nghị định 71/2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã xuất hiện một loại dịch vụ mới thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Đó là dịch vụ tìm chủ xe máy, ô tô cũ để sang tên đổi chủ.


Khó mấy cũng tìm được


Vốn là nhân viên văn phòng, thu nhập không cao nên khi cậu con trai đầu đỗ đại học, chị Đào Thị Minh, ở khu tập thể ĐH KTQD đã đến chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy mua cho con chiếc xe máy Wave S cũ với giá 10 triệu đồng. Xe có Giấy đăng ký với tên của anh N.Q.T, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Với mỗi người dân việc đứng tên chính chủ trên giấy tờ chiếc xe mình mua là rất quan trọng

Do vào thời điểm chị Minh mua, Nghị định 71/2012 chưa có hiệu lực pháp luật nên chị không quan tâm đến việc sang tên. Từ khi văn bản trên được áp dụng, mỗi khi con dắt xe ra đường chị Minh lại thấp thỏm không yên. Qua một người bạn, chị Minh biết một số nơi cung cấp dịch vụ tìm chính chủ cho xe máy để sang tên.

Chị Minh đến đó thì được biết, giá trọn gói để chị cầm được Giấy đăng ký xe mang tên mình là 2 triệu đồng. “Tôi đã phải mua xe cũ cho con để tiết kiệm chi phí, nay lại mất từng đó số tiền để sang tên mà chưa biết có ăn thua gì không” - chị Minh thở dài.

Tìm hiểu thông tin về dịch vụ trên chúng tôi đọc được khá nhiều quảng cáo hấp dẫn: “Bạn đang lo lắng vì điều khiển xe máy không do chính mình đứng tên chủ sở hữu. Bạn đã mua xe qua nhiều người nhưng không có điều kiện để tìm chủ nhân đích thực của chiếc xe yêu quý bạn đang sử dụng để sang tên theo qui định.

Bạn là chủ một cửa hiệu cầm đồ đang gặp khó khăn khi những chiếc xe đã bán mà khách hàng yêu cầu mình sang tên theo quy định của pháp luật. Đừng ngần ngại, hãy đến với chúng tôi - văn phòng tìm kiếm thông tin LH.

Tìm chính chủ của chiếc xe máy Airblade để sang tên, tôi gọi điện đến số điện thoại của một đơn vị cung cấp dịch vụ này theo số máy 043787... thì nhận được câu trả lời như đinh đóng cột: “Kể cả chủ cũ chiếc xe ở tận miền Nam, nhân viên công ty sẽ có nghiệp vụ để tìm ra, miễn là giá cả hợp lý”.

Cũng theo lời của nhân viên trực điện thoại, quy trình của việc tìm chính chủ cho xe máy, ô tô được tiến hành khá đơn giản. Đầu tiên, trung tâm sẽ cử người đi tra cứu ở tàng thư đăng ký phương tiện để xem Giấy chứng minh nhân dân, xác định nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người đứng tên trên giấy đăng ký xe.

Nếu chính chủ ở càng xa, thời gian xác minh lâu thì phí dịch vụ sẽ càng cao. Người yêu cầu dịch vụ chỉ cần photo toàn bộ giấy tờ xe đưa cho bên thực hiện dịch vụ, đặt cọc trước một số tiền nhất định và về nhà chờ nhận giấy đăng ký xe mang tên mình?!

Chớ vội vàng đưa tiền


Rắc rối trong việc đi tìm chính chủ cho xe không chỉ đối với những chiếc xe mua đi bán lại mà còn xảy ra với một số chiếc xe được mua mới. Năm 2005, anh Lê Văn Hợp, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân mua 1 chiếc xe máy mới để đi giao hàng. Do vào thời điểm đó có quy định về việc tạm dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành nên anh Hợp đã phải mất 1 triệu đồng để “nhờ” một người ở huyện Sóc Sơn đứng tên đăng ký xe.

Hai tuần nay, anh Hợp cố gắng liên hệ với người này để làm thủ tục sang tên chiếc xe cho mình nhưng không liên lạc được vì người đó đã chuyển vào sinh sống ở miền Trung. Tìm đến nơi cung cấp dịch vụ, anh Hợp giật mình khi được biết giá dịch vụ bằng… 1/3 giá trị chiếc xe mà anh đang sử dụng.

Sau một hồi thỏa thuận, anh Hợp đồng ý với mức giá 2,5 triệu đồng. “Nộp tiền đặt cọc xong, tôi nhận được câu trả lời “cứ yên tâm về nhà chờ đợi, 1 tuần sau sẽ có kết quả”. Nhưng đến nay đã gần 2 tuần trôi qua, tôi gọi điện hỏi thì họ cứ khất lần” - anh Hợp than phiền.

Hiện không chỉ có một số cá nhân triển khai dịch vụ tìm chủ xe để sang tên đổi chủ mà còn có các công ty thám tử, thậm chí cả hợp tác xã cũng tham gia. Theo ông Hoàng Hải - giám đốc một công ty thám tử tư thuộc quận Đống Đa, tùy theo thời gian tìm kiếm nhanh hay chậm, chính chủ xe ở xa hay gần, phí sẽ được tính, dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Trong trường hợp dù đã nỗ lực hết sức nhưng không tìm được chủ xe, khách hàng sẽ chỉ mất một khoản tiền nhỏ gọi là tiền hỗ trợ chi phí đi lại. Số tiền này được trừ vào khoản tiền đặt cọc khách đưa ban đầu. Nếu đã tìm được chủ xe nhưng họ không đồng ý hợp tác, đòi tiền bồi dưỡng thì bên yêu cầu dịch vụ phải thỏa thuận với chủ xe về số tiền này.

Cũng theo ông Hải, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến công ty hỏi thông tin liên quan đến dịch vụ tìm chính chủ cho xe ô tô, xe máy. Giá tìm chính chủ cho ô tô cao hơn xe máy do giá phương tiện cao hơn. Thông thường đơn vị thực hiện dịch vụ “bao trọn gói”, từ hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ đến làm thủ tục đăng ký, sang tên, di chuyển xe.

Bên cạnh nhân viên có sẵn, công ty còn sử dụng các “chân rết” là “xe ôm” ở các địa bàn. Việc sử dụng đội ngũ này có nhiều cái lợi do chi phí rẻ, đây là những người thông thạo địa hình nên di chuyển nhanh, thông tin cập nhật thường xuyên.

Liên quan đến dịch vụ mới nêu trên, Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, sự xuất hiện của bất kỳ loại hình dịch vụ nào cũng có tính hai mặt. Đối với dịch vụ tìm chính chủ cho xe máy, ô tô để sang tên, trên thực tế, nó đã có hiệu quả nhất định trong việc giúp những người bỏ tiền mua xe được nắm trong tay giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu đối với chiếc xe của mình.

Tuy vậy, vẫn còn không ít người vội vàng đưa tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ khi chưa nghiên cứu kỹ hợp đồng nên đã tự đẩy mình vào cảnh “tiến không được, lùi cũng chẳng xong”, thậm chí mất trắng vì sự vòi vĩnh của chính chủ xe và bên thực hiện dịch vụ. Để tránh rơi vào hoàn cảnh này, mỗi người dân cần tỉnh táo khi bỏ tiền ra mua bất cứ loại hình dịch vụ nào mà chưa tìm hiểu kỹ về nó.

(Theo An ninh thủ đô)