Mùa dịch ở nhà nhiều, rất nhiều người bắt đầu quen với việc mua đồ ăn thức uống trên mạng xã hội. Nhất là trong giai đoạn việc giao hàng không còn nhanh chóng do vướng giãn cách, việc mua hàng trực tiếp giữa người bán và người mua trở nên phổ biến hơn.
Mua hàng giao tận nơi ở chung cư mùa dịch. (Ảnh: Hải Đăng) |
Chị Thảo (Tân An, Long An), thường ngày bận bịu nên buổi sáng ăn uống qua loa, có gì ăn nấy. Nhưng kể từ giai đoạn dịch ở nhà nhiều hơn, lướt Facebook thấy nhiều bạn bè bán đồ ăn sáng nên đặt mua thử.
“Đầy đủ các món mì xào bò, nui xào bò, cơm tấm xá xíu, hủ tiếu... Đồ ăn đa dạng, giao hàng rất nhanh, miễn phí ship”, chị Thảo nói. “Đánh răng rửa mặt, vệ sinh cá nhân xong thì đồ ăn vừa tới. Cả nhà 3 người chọn luôn 3 món. Rất tiện”.
Người dân ở tỉnh như Long An vẫn quen với việc ăn cơm nhà. Việc ăn sáng, uống cà phê ở ngoài không nhiều. Các ứng dụng giao đồ ăn thì lại chưa tiếp cận tới. Tuy nhiên việc bán hàng trên mạng xã hội đang dần phổ biến, tiếp cận chủ yếu vào nhóm khách hàng trẻ, làm việc văn phòng, ở thành phố trực thuộc tỉnh.
Làm việc ở ngân hàng, chị Thảo và đồng nghiệp gần như bỏ hẳn thói quen chạy về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi như trước. Cả phòng thường đặt đồ ăn ở các mối quen mang tới.
Những người bán này không phải ai cũng có hàng quán. Rất nhiều trong số đó chỉ bán hàng trên mạng.
“Có người khi vào giao dịch thì tặng cho nhân viên một túi bánh tráng bự tổ chảng. Ăn ghiền luôn. Thế là lần sau đặt mua từ người đó”, chị Thảo chia sẻ.
Kênh mua bán, giao đồ ăn đang dần hình thành ở các tỉnh, nhưng ở thành phố lớn thì đã phát triển khá mạnh. Tại TP.HCM, rất nhiều hội nhóm phát triển mạnh. Nhất là các nhóm của cư dân tại các chung cư. Hầu như chung cư nào cũng có nhóm chat, nhóm trên mạng xã hội để trao đổi các vấn đề chung, còn có cả mua bán.
Chị Uyên (Tân Phú, TP.HCM), thi thoảng vẫn mua đồ ở nhóm chung cư. Chủ yếu cư dân bán với nhau các món đặc sản, như bơ, xoài, sầu riêng. Rất nhiều món sơ chế hoặc các món nhà làm.
“Dù vậy hàng hoá cũng khá ít, vì quy định của ban quản trị chỉ cho bán vào ngày cuối tuần để tránh làm phiền cư dân”, chị Uyên nói. Tuy vậy, việc mua bán trở nên sôi động hơn vào những ngày Covid-19 hoành hành, nhất là giai đoạn TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng chính phủ.
“Hồi trước mình hay đặt đồ ăn qua ứng dụng. Nhưng kể từ khi giãn cách, shipper giao hàng lâu hơn, thời gian phải chờ đợi kéo dài. Đang đói thì khó mà chờ được”, chị Uyên phân trần.
Nữ nhân viên văn phòng này lưu lại số điện thoại của người bán trong chung cư, khi cần gì thì gọi. Đồ ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, hàng tạp hoá đều có đủ cả. Thậm chí khi dịch tới, các bài rao bán hàng, bán đồ ăn thường xuyên đăng vào những ngày trong tuần nhưng ban quản trị ngó lơ, thay vì nhắc nhở như trước.
“Ở chung cư tầng 15 nhưng khi gọi đồ ăn trưa thì chưa tới 5 phút đã có, vì người bán ở cùng tầng. Mỗi ngày đều đổi món nên không đến nỗi ngán”, chị Uyên cho biết.
Trong các chung cư vẫn thường có một vài cửa hàng tạp hoá, giao hàng tận cửa. Anh An (Bình Tân, TP.HCM), cho biết, cửa hàng tạp hoá ở tầng 5 chung cư nhà anh là “cứu cánh” trong mùa dịch lẫn mùa Euro. Khi cần mua đột xuất vài lon bia, ít mồi nhậu thì chỉ cần nhắn tin Facebook, trong vòng 10 phút sẽ có “mồi”. Có hôm xem đá bóng khuya, thấy tài khoản mạng xã hội của chủ quán “sáng đèn” nên vẫn có thể mua thêm các món ăn khuya, chủ nhà mặc quần short, ngái ngủ mang lên giao.
Không chỉ ở chung cư, rất nhiều hội nhóm trên mạng dù mới lập hay có lịch sử lâu đời cũng hướng về các nội dung ẩm thực mùa dịch. Như nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong dù buôn bán đồ cổ nhưng vào mùa dịch, nhóm điều hành quyết định cho thành viên mua bán hàng hoá, đồ ăn để… kiếm thêm.
Hay Măm Măm Sài Gòn, nhóm có hơn 360 ngàn thành viên, cũng thực hiện chiến dịch quảng bá (review) miễn phí cho các hàng quán, nhằm giúp các chủ cửa hàng vượt qua mùa dịch.
Có nhóm của một chuỗi khách sạn thì bán phiếu giảm giá đồ ăn thức uống, có mức giảm lên đến 50%, nhưng chỉ có giá trị… sau dịch. Việc này nhằm giúp các chủ hàng quán có trước một lượng tiền mặt chuẩn bị bán hàng ngay khi mở cửa trở lại.
Do nở rộ nên việc cạnh tranh giữa các nhà bán cũng không kém căng thẳng. Chị Thảo kể, ban đầu ăn trưa trong hộp nhựa, cả phòng ăn được vài bữa thì chán, chuyển sang một bên bán khác có khay đựng đẹp hơn. Tuy nhiên chỗ mới giá lại đắt, đồ ăn ít, nên lại chuyển sang một quán thứ 3.
“Quán này ghi chép cẩn thận ai ăn ít cơm hay nhiều cơm, đồ ăn ra sao. Lại đựng trong hộp đồ ăn chuyên dụng nên rất sạch sẽ”, chị Thảo nói.
Trước đây vào ngày nghỉ, cô nhân viên ngân hàng thường bày biện nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Các công đoạn rã đông thịt, hấp bún, hâm lại nước dùng,... mất cả giờ đồng hồ. Làm xong mướt mồ hôi, cả nhà chỉ ăn được một món.
“Giờ em có thời gian tập gym, thư thả ngày cuối tuần. Đồ ăn cứ gọi về, ai thích gì ăn nấy. Có được khá nhiều thời gian rảnh để tận hưởng cuộc sống”, chị Thảo tâm sự.
Hải Đăng
Shipper giao đồ ăn đắt khách vì yêu cầu “chỉ bán mang về”
Nhu cầu giao nhận đồ ăn tăng lên sau sau khi quyết định chỉ bán mang về được áp dụng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Các shipper cũng vất vả ngược xuôi khi đơn giao đồ ăn "nổ" liên tục.