Ai cũng vậy thôi, dù lớn hay bé đều có nhu cầu giao tiếp. Còn bé thích được chơi đùa cùng ba mẹ, thích được nhõng nhẽo, liến thoắng kể đủ thứ chuyện không đầu không cuối với người lớn. Rồi chúng rất thích được ba mẹ đọc sách cho nghe và chơi đùa cùng.
Mỗi lần như vậy, khuôn mặt bọn trẻ thật là rạng rỡ, mắt cười, miệng cười, hạnh phúc tràn ngập khuôn mặt. Lớn lên chút nữa chúng bắt đầu kín kẽ hơn, giấu mình nhiều hơn nhưng nếu bố mẹ tâm lý, chúng vẫn thích được chia sẻ. Ngược lại nếu chúng thấy bố mẹ không có thời gian lắng nghe tiếng lòng của mình thì sẽ ngày một co lại và không thể hiện suy nghĩ và khoảng cách giữa hai thế hệ ngày một xa hơn.
Rồi đến tuổi dậy thì nổi loạn, tâm lý diễn biến phức tạp, chúng càng không muốn gần bố mẹ, thường đóng cửa phòng thích ở một mình. Nhiều hành động nổi loạn khẳng định mình được chúng thực hiện như bày tỏ quan điểm nhưng trong mắt bố mẹ thì đó lại là những hành động không chấp nhận được, thành ra kẽ nứt về sự hiểu nhau ngày một rộng.
Cha mẹ nên biết rằng, con mình dù bé hay đã trưởng thành cũng đều mong có một nơi để sẻ chia, được đón nhận những tình cảm của cha mẹ dành cho mình.
Chị Thúy Hà ở Cầu Giấy, có 2 cậu con trai. Ngày còn bé chị cũng luôn sát cánh bên con, chăm sóc rất kỹ nhưng khi con lên cấp 2, công việc bận hơn nên thời gian dành cho con không còn nhiều như trước. Chị chủ quan nghĩ con mình ngoan, từ bé đã bén hơi mẹ nên chắc cũng không vấn đề gì. Chị vẫn dành thời gian kiểm tra việc học hành của con duy chỉ có việc nói chuyện với con ít hơn.
Nhiều lúc chị nghĩ sao lớn lên không thấy con mình nói nhiều như trước hay thay đổi tính nết. Nhiều khi bất chợt đi làm về muộn thấy con mỗi bạn một góc, cắm mặt vào máy tính, điện thoại. Chị cũng chỉ nhắc con là dừng chơi sớm còn đi ngủ, mai có sức đi học đúng giờ. Các con chị cũng vâng lời mẹ đứng dậy đi về phòng.
Nhưng rồi có lần chị nghe bạn thân của con nói là dạo này bạn T. có nhiều tâm sự, buồn bã và luôn thở dài, học hành cũng chểnh mảng. Chị mới giật mình không hiểu con mình thiếu thốn gì, mọi yêu cầu của con chị đều đáp ứng. Rồi có lần chị vô tình nghe được cuộc điện thoại của con với bạn chị Hà mới giật mình vì sự vô tâm của người làm mẹ như mình.
Con chị tâm sự với bạn: “Lâu rồi tớ không còn cảm giác ấm áp khi được bố mẹ quan tâm. Họ cũng chả còn thời gian mà lắng nghe tớ nói hay biết tớ cần gì. Nhiều khi cũng biết bố mẹ bận rộn nhưng mà thấy xa cách quá. Nhớ ngày còn bé được bố mẹ cưng chiều, nâng niu nay lớn như là bước sang 1 thế giới khác. Khổ thân thằng em bị bỏ rơi sớm hơn mình. Thèm những bữa ăn ấm cúng, những buổi dã ngoại có đủ cả bố cả mẹ”.
Nghe xong chị Hà cay xè sống mũi và tự nhủ sẽ phải thay đổi, điều chỉnh lại công việc để bên cạnh con nhiều hơn. May là hai con chị hiểu chuyện nên chưa có gì hối tiếc.
Sau 1 thời gian điều chỉnh lại thời gian, giờ chị Hà cảm nhận được khuôn mặt con trai thấy vui vẻ hơn nhiều. Chúng bắt đầu tin tưởng mà tâm sự đủ chuyện bạn bè, trường lớp. Việc học tập kết quả cũng khá hơn trước.
Chị Hà tâm sự “may là tôi nhận ra sớm chứ không mình sẽ trở thành người xa lạ trong mắt con cái. Cũng không có gì quá khó chỉ cần bố mẹ điều chỉnh được thời gian thì hãy dành cho các con, bởi đó mới là tài sản vô giá của chúng ta”.
Chuyên gia tư vấn đưa ra lời khuyên “Hãy trò chuyện với các thành viên trong gia đình bằng nhiều cách khác nhau, tránh để rơi vào tình trạng thiếu thông tin liên lạc hoặc ngắt quãng trong quá trình kết nối với nhau dẫn đến trẻ co cụm lại và không giao tiếp với cha mẹ”.
Nuôi con không chỉ là dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bố mẹ cần dành thời gian chia sẻ và giáo dục trẻ. Đó là quan trọng cho sự phát triển bền vững của trẻ sau này. Tuy nhiên, để trẻ sẵn sàng chia sẻ, bố mẹ cần tạo cho con cảm giác “nhà là nơi an toàn”, được chấp thuận và lắng nghe.
Cũng giống như người lớn, trẻ cũng có những áp lực riêng trong học tập, giao thiệp với bạn bè, thầy cô và rất dễ tổn thương. Vì thế cha mẹ hãy dành thời gian, ngân sách và sự quan tâm đủ để giải quyết vấn đề gốc rễ. Nói chuyện với con không khó, chỉ cần bố mẹ muốn là được.
Theo VOV