NSND Trần Nhượng vừa tổ chức chương trình kỷ niệm 50 năm dưới ánh đèn sân khấu. Tại đây, ông cùng hai con - nghệ sĩ Trần Bình Trọng và Anh Phương đã tái hiện lại nỗi đau của mình - một 'Kép Tư Bền' sống và lý do vì sao ông luôn ngăn cản các con nối nghiệp.
Vở kịch dài gần 30 phút kể về một Trần Nhượng lúc thanh niên, vượt qua sự cấm cản của gia đình đi theo nghệ thuật. Nỗi đau lớn nhất trong đời ông là không làm tròn chữ "hiếu". Không được tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông ví cuộc đời mình như 'Kép Tư Bền', một nghệ sĩ rút ruột nhả tơ, nhả tới sợi tơ óng ánh cuối cùng chỉ mong làm đẹp cho đời. Cuối cùng, về già ông cũng chẳng có gì, nhà thì đi thuê, mua căn chung cư trả góp mãi chưa xong.
Vở kịch 'Nối nghiệp' với diễn xuất NSND Trần Nhượng cùng hai con:
Vì những nỗi đau đó, ông không mong muốn các con nối nghiệp mình. Nhưng như một nhân duyên sắp đặt, dù ngăn cấm thế nào, các con chọn ngành học khác cuối cùng chúng cũng như ông vẫn bị mê hoặc bởi ánh đèn sân khấu.
Nghệ sĩ kể, những năm 1990, lương khoảng 90.000 đồng, Bình Trọng có thời lăn lộn đủ nghề, bán cơm thuê, bán bia hơi, vé số để đỡ đần bố. Sau đó Bình Trọng thi lại vào ngành quản lý văn hóa, đỗ á khoa, có học bổng, ông không phải lo nhiều.
Hiện tại, NSND Trần Nhượng cảm thấy được an ủi phần nào vì con trai đã là diễn viên, đạo diễn, có hãng phim riêng, sản xuất series hài Đại gia chân đất, Làng ế vợ.
"Tôi muốn Trọng biến series chiếu mạng Đại gia chân đất thành tác phẩm điện ảnh, có giá trị nghệ thuật, hút khán giả, tương tự Trấn Thành từng làm Bố già. Nhiều người nghĩ Đại gia chân đất chỉ mang tính chọc cười nhẹ nhàng nhưng nếu xem kỹ, khán giả sẽ cảm nhận phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa", NSND Trần Nhượng bày tỏ.
Còn Anh Phương, một thân một mình đơn độc đất Sài thành ông cảm thấy không an tâm. Khi con quyết định Nam tiến, hai bố con xung đột gay gắt. Hiện tại, ông mừng vì con đã tự lập, không còn cần bố hỗ trợ tài chính.