Điểm đặc biệt trong sự nghiệp và cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ phải kể đến 6 lần được  tín nhiệm bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Đó là 2 lần ông Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội, 1 lần được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước và 3 lần đắc cử cương vị Tổng Bí thư.

Sáu lần phát biểu nhậm chức dù là ở cương vị nào, trong từng lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện rõ sự khiêm tốn, chân thành và cốt cách cao quý của một người cộng sản chân chính.

tong bi thu nguyen phu trong toi lam gi khong phai de danh bong minh 408cd74553a64d5d8c8581af68412fcc.jpg

Đặc biệt là quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng như trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh luôn là nỗi đau đáu trong suốt cuộc đời như chính 2 câu thơ: "Còn một giây, một phút tàn hơi/ Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!" của Tố Hữu mà Tổng Bí thư đã mượn để nói lên lòng mình, để hứa với Đảng, với dân.

‘Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn’

Còn nhớ cách đây 18 năm, ngày 26/6/2006, phát biểu nhậm chức sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa 11, tại hội trường Ba Đình, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Ðây là vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề đối với tôi”.

Nhận trọng trách mới khi đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông nhìn nhận, chuyển sang lĩnh vực công tác mới, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.

“Tôi tự thấy mình còn nhiều hạn chế, cả về kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi mong nhận được sự giúp đỡ tích cực của các vị đại biểu Quốc hội; sự cộng tác chặt chẽ của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

Ở lần nhậm chức thứ 2 cũng với cương vị Chủ tịch Quốc hội (khóa 12) vào ngày 23/7/2007, trong các cam kết khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực lập pháp và giám sát của Quốc hội, đổi mới phương pháp công tác, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện quan liêu; thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân để xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

tong bi thu nguyen phu trong toi lam gi khong phai de danh bong minh 8d5f688b6a2042929c6374b66e7acd6c.jpg

Ngày 19/1/2011, ông Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chia sẻ chân tình, thẳng thắn với báo giới: “Nói thật, tôi vừa nhậm chức, nghe các bạn gọi Tổng Bí thư tôi còn chưa quen tai, thấy ngượng quá, chưa kịp nghĩ đến việc đi đâu".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tâm sự: “Tôi làm cái gì đều không nghĩ mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình, hay tỏ ra ta là thế này, thế kia. Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ là thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng. Cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là đã tốt rồi".

Ở lần thứ 2 đắc cử chức Tổng Bí thư (khóa 12) vào ngày 28/1/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi bất ngờ, xúc động và lo lắng vì công việc sắp tới còn nặng nề, gánh trách nhiệm rất lớn. Trước tình hình diễn biến trong nước, quốc tế như thế này, thời cơ thuận lợi, nhưng khó khăn thách thức cũng rất nhiều”.

Khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2020 vào ngày 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giãi bày một số tâm tư, tình cảm.

“Chắc có đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá 11”, ông chia sẻ.

Bày tỏ cảm xúc vừa mừng, vừa lo như thời điểm lần đầu tiên nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào ngày 26/6/2006, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại khi đó: “Tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay! Và bây giờ đây, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần còn lo lắng hơn”.

tong bi thu nguyen phu trong toi lam gi khong phai de danh bong minh a238b941442447348d9d0978a14f33ab.jpg

Ngày 1/2/2021, ngay sau khi tái đắc cử lần thứ 3 giữ chức Tổng Bí thư (khóa 13), phát biểu ra mắt Đại hội 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ luôn luôn ý thức rằng, vinh dự bao giờ cũng đi đôi trách nhiệm.

“Vinh dự càng cao thì trách nhiệm càng lớn, nhất là nhiệm vụ giai đoạn tới trong các văn kiện trình Đại hội 13 có rất nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng có muôn vàn khó khăn thử thách, có những điều không lường trước được”.

Trả lời báo chí sau đó về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư khẳng định: Làm không phải trị hay thù oán ai mà hoàn toàn nhân văn, nhân đạo.

“Cưa một cành cây mọt sâu để cứu cả cây. Xử một vài người để răn đe giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Cảnh tỉnh, cảnh báo ngăn ngừa là chính chứ không phải xử nhiều, xử nặng, đấy mới là nghiêm", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu nói của Bác Hồ.

Theo Tổng Bí thư, đấu tranh phòng chống tham nhũng nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí thì không làm được.

“Ai chẳng thích của, thích tiền nhưng tôi vẫn nói nhiều lần, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy

Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hẳn ai cũng sẽ nhớ đến câu nói để đời: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”.

Câu nói này Tổng Bí thư phát biểu tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 31/7/2017, được nhắc đi nhắc nhiều lần trong các phát biểu sau này và trở thành tuyên ngôn hành động xuyên suốt trong suốt sự nghiệp phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng của người.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: “Phòng chống tham nhũng không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông mà phải bằng luật pháp. Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng”.

Trước một số ý kiến lo ngại việc chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, không ai muốn làm, Tổng Bí thư đã khẳng định tư tưởng đó là sai.

tong bi thu chu tich nuoc nguyen phu trong va quyet tam lam trong sach bo may f721f553b3ad473092c0a29253530bfc.jpg

“Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018.

Thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, phát biểu tại hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ngày 28/11/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu…”

Trong nhiệm kỳ Đại hội 12, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Đáng chú ý là thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” luôn là thông điệp xuyên suốt được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các phát biểu cũng như bài viết của mình.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 diễn ra sáng 12/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục nêu thông điệp: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

Đi liền với những thông điệp mạnh mẽ này là hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy đã tạo ra bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng nói riêng và công tác phòng chống tham nhũng nói chung.

Giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng

Tinh thần này tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duy trì, phát huy mạnh mẽ và phát triển thêm ở tầm cao mới trong khóa 13.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội 13 là “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã Ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó đã bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống "tiêu cực".

Trong đó, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.

Cùng với đó là thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau hơn 1 năm thành lập, bước đầu mô hình này đã có những kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây.

Nhờ đó, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn coi trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống", trong đó đặc biệt phải kể đến là công tác cán bộ.

Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh, công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Cho nên “phải có con mắt tinh đời”, “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”, “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”, “tránh tình trạng cua cậy càng, cá cậy vây”.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến hết năm 2023, các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Trong năm 2023 đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thi hành kỷ luật 7 nhân sự (khai trừ khỏi Đảng 6, cách chức 1); cho 5 nhân sự thôi các chức vụ do có khuyết điểm, vi phạm. Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng (cảnh cáo), 6 đảng viên (cảnh cáo 3, khiển trách 3). Ban Bí thư thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng (cảnh cáo 3, khiển trách 2), 27 đảng viên (khai trừ 26, cách chức 1). Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực

 Đặc biệt, Tổng Bí thư luôn căn dặn, trong việc chọn lựa cán bộ, dứt khoát không để lọt những người cơ hội chính trị, giỏi “luồn lách” nhưng non tài, kém đức như những “con lươn”, “con chạch” lọt vào quy hoạch.

Trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bất kể người đó là ai; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

Việc cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thể hiện sự nghiêm minh, cũng như rất nhân văn, đưa việc "có lên, có xuống, có vào, có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ.

 Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vào tháng 5/2023, Tổng Bí thư lưu ý, từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng.

 “Hết sức tránh tình trạng: Chân mình còn lấm bê bê; lại cầm bó đuốc đi rê chân người!”, Tổng Bí thư căn dặn.

Tổng Bí thư yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. 

Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. 

nguyenphutrong 09.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 5 mới đây, Tổng Bí thư lưu ý, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng.

Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Cho đến trước lúc ra đi 10 ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đau đáu dõi theo tình hình chính sự. Với vai trò là Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi bài phát biểu đến Hội nghị Quân ủy Trung ương sơ kết công tác quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm vào ngày 8/7/2024.

Trước đó, ngày 4/7, Tổng Bí thư cũng có bài phát biểu gửi đến Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Đảng ủy Công an Trung ương.

Mỗi lời nói, mỗi hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng đều thể hiện sự cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.