Sản phẩm bạc sản xuất ra cũng có cái tên rất mỹ miều - Bạc Tiên nữ.

Bản của những bàn tay “vàng”

Séo Pờ Hồ là bản vùng cao của xã Mường Hum, nằm dưới chân đỉnh núi Ki Quan San. Cả bản có 15/51 hộ gia đình tham gia làm nghề chạm khắc bạc trong lúc nông nhàn.

Mặc dù sản phẩm bạc sản xuất ra số lượng không lớn nhưng cùng với sự kết nối của chính quyền địa phương, làng nghề vẫn thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến tham quan và mua sản phẩm.

{keywords}
Chiếc mũ nồi có đính nhiều dây bạc, đồng bạc.

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của mình, anh Tẩn Sình Ngan, nghệ nhân chạm khắc bạc đang sắp xếp lần lượt những món đồ mình làm được để khách xem. Từng chiếc vòng bạc nhỏ xíu được xếp thành một chuỗi dài.

Gia đình anh Tẩn Sình Ngan có truyền thống chạm khắc bạc. Anh học lại nghề từ bố mẹ mình. Anh bảo: Tôi theo bố mẹ học nghề kéo bạc từ nhỏ. Gọi là kéo bạc vì từ một dây bạc thô, người thợ có thể kéo thành nhiều sợi dây nhỏ dần đến sợi bé nhất chỉ to hơn sợi tóc.

Trước đều làm bạc bằng tay, nay có máy cán bạc, công việc đỡ vất vả hơn nhưng vẫn cần sự khéo léo của nghệ nhân mới làm được.

{keywords}
Đồ trang sức bạc làm cho bộ trang phục của người Dao đỏ thêm đẹp, quý phái.

Theo anh Ngan, để hoàn thành một sợi dây chuyền dài, người thợ bạc phải làm ròng rã 3 ngày - đêm mới xong. Khi thổi bạc để hàn, thợ giỏi phải biết điều chỉnh luồng hơi từ miệng qua ống để ngọn lửa vừa đủ, mối hàn không chỉ bền chắc mà còn đẹp mắt.

Sản phẩm bạc được đun qua dung dịch chứa một loại “axít chua” sẽ lên màu trắng sáng và được mài cho đến khi sáng bóng ánh kim…

Để làm được những quả chuông, người Dao dùng khuôn bằng sừng trâu và bằng sắt, khuôn có đục những lỗ tròn với kích thước nhỏ dần. Miếng bạc cán mỏng được cắt thành từng đoạn nhỏ để đưa vào khuôn đục tròn. Lần lượt miếng bạc sẽ được tạo tròn qua các lỗ khuôn từ to đến nhỏ nhằm mục đích cho nửa chuông được tròn đều.

Hai nửa chuông được ghép lại với nhau bằng mối hàn, sau đó thắt đai quanh chuông bằng sợi bạc nhỏ. Bên trong quả chuông bỏ viên bi làm bằng đồng để quả chuông có âm thanh ngân vang.

Sợi bạc dùng làm dây chuông, dây xà tích bạc, đây là công việc khó nhất trong nghề làm bạc truyền thống ở Mường Hum. Kiểu đan hình vẩy cá khiến người thợ phải thật tỷ mỷ, tinh luyện. Dây bạc cần được đun qua nước dấm để bạc trắng sáng hơn.

Kết nối làng nghề với du lịch

Người Dao đỏ bản Séo Pờ Hồ chủ yếu làm đồ trang sức bạc trang trí trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc, như dây bạc, chuông bạc. Mỗi ngày người thợ có thể làm 10 đôi dây và chuông bạc, bạc bán tại chợ phiên hoặc làm theo đơn đặt hàng của những cô gái sắp cưới chồng.

Mỗi bộ váy áo cưới truyền thống của người Dao đỏ Mường Hum có giá tới 50 triệu đồng, trong đó 45 triệu đồng là trị giá trang sức bằng bạc. Trên áo của người đàn ông chỉ trang trí dây chuông bạc ở phần ngực áo, giá trị của bộ trang phục người đàn ông là khoảng 10 triệu đồng.

Đồ trang sức bạc làm cho bộ trang phục thêm đẹp, quý phái, ngoài ra theo quan niệm của người Dao, bạc còn có công dụng giúp tránh cảm, tránh bệnh tật nên trẻ nhỏ thường đội mũ nồi có đính nhiều dây bạc, đồng bạc.

{keywords}
Người thợ đang tiến hành công đoạn kéo bạc.

Ông Tẩn Kim Vảng, Chủ tịch UBND xã Mường Hum cho biết: Với dân tộc Dao đỏ, bạc là đồ trang sức không thể thiếu và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người Dao đỏ quan niệm, bạc đem lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự giàu sang.

Người nào càng lắm bạc thì càng được “thần bạc” phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Những bộ áo mũ đẹp nhất thường chỉ được người Dao đỏ mặc đi dự đám cưới, đi xuống chợ phiên hay tới thăm anh em, hàng xóm dịp lễ, tết quan trọng.

Trang sức bạc đắt tiền cũng là của hồi môn bố mẹ tặng con gái ngày về nhà chồng, hay bố mẹ chồng tặng cho con dâu mới và là lễ vật thách cưới. Ngoài ra, vòng bạc cũng là quà người lớn tặng trẻ nhỏ để cầu mong điều tốt lành cho trẻ…

Kéo bạc không chỉ là một nghề truyền thống của dân tộc Dao đỏ mà còn giúp nhân dân trong thôn có cuộc sống khấm khá hơn.

Hiện, thôn Seo Pờ Hồ, xã Mường Hum có 15 gia đình thường xuyên làm nghề kéo bạc và chế tác các loại chuông, cúc và dây xà tích bạc để đính trên bộ trang phục của người Dao đỏ, với mức thu bình quân 45 triệu đồng/hộ/năm. Mỗi năm, tổng thu nhập của các hộ gia đình từ nghề kéo bạc đạt gần 700 triệu đồng.

{keywords}
 

Nhận thấy những giá trị về mặt truyền thống và giá trị thu nhập mang lại của làng nghề chạm bạc, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lào Cai đã cử cán bộ xuống cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế và nhu cầu của bà con tại địa phương.

Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bát Xát, UBND xã Mường Hum, Trung tâm Khuyến công đã tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng nghề tại địa phương, đồng thời tư vấn hướng dẫn cho bà con tại thôn Séo Pờ Hồ chuẩn bị các thủ tục cần thiết để lập hồ sơ đăng ký thụ hưởng nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ như: thành lập tổ chức sản xuất có đủ tư cách pháp nhân, mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhãn hiệu độc quyền…

Việc bảo tồn, phát triển nghề chạm bạc ở Mường Hum giúp đỡ cho bà con phần nào nguồn kinh phí để chủ động đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm bạc đảm bảo đủ sức cạnh tranh thị trường.

Bản Séo Pờ Hồ cũng là một điểm đến trong chương trình lễ hội mùa thu huyện Bát Xát năm 2018. Du khách tới đây, có thể trải nghiệm các hoạt động sản xuất bạc, tham quan làng nghề kéo bạc.
 
(Theo Langvietonline/ Dân Việt)