Hiếm có dự thảo luật nào lại “trắc trở” như Luật Quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xây dựng nhiều năm nay khi liên tục bị chính các bộ ngành phản ứng. Trong khi đó, các DN kêu ca rằng, giai đoạn xin điều chỉnh quy hoạch khi làm thủ tục cho dự án là "hộp đen" rất lớn, tù mù không biết chuyện gì đang diễn ra.

Cuộc cách mạng về quy hoạch

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và Triển khai nhiệm vụ năm 2017 tại Bộ KH-ĐT sáng 11/1, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kế hoạch của Bộ này, không giấu nổi bức xúc khi dự thảo Luật Quy hoạch trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn bị nhiều bộ khác phản ứng.

Ông Vũ Quang Các nói: Chính phủ và gần như 100% các ý kiến của thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành đều đồng ý với quan điểm xây dựng Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đại diện các bộ không đồng tình, có nhiều ý kiến khác phản đối. 

{keywords}
Nhiều loại quy hoạch bị đánh giá là không phù hợp. Ảnh: Lê Toàn

Đại diện Bộ KH-ĐT thẳng thắn: "Chúng tôi làm việc rất dân chủ, công khai để Luật Quy hoạch sớm được trình duyệt, tạo nền tảng cho chính sách quản lý các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng cát cứ, giữ lợi ích của các bộ, ngành đang kéo lùi tiến trình này. Các bộ, ngành giữ lấy công việc, không chịu đổi mới, duy trì sự trì trệ và kéo giảm tiến độ cải cách".

Nghe vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dự thảo Luật Quy hoạch đã được Chính phủ xem xét kỹ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước một số ý kiến băn khoăn của các bộ ngành khác, Thủ tướng Chính phủ lưu ý: “Ông nào cũng muốn giữ quyền của ngành mình. Tư duy như vậy làm sao được?”.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề này với các bộ liên quan. “Đổi mới không dễ nhưng không đổi mới là chết”, ông tuyên bố mạnh mẽ và khẳng định Luật là một cuộc cách mạng.

Trước việc đại diện một số Bộ có ý kiến khác khi dự luật được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng đã thẳng thắn “phê bình những cơ quan có ý kiến” khác vì không thể có chuyện “anh ra Thường vụ Quốc hội anh bãi nại điều mà Nghị quyết của Chính phủ đã nêu”.

Nhưng Thủ tướng cũng nhìn nhận để có tình trạng đó là do Bộ KH-ĐT chưa thuyết phục tốt. Nếu trước đó, Bộ này họp với các bộ, cùng thảo luận, có lý lẽ, nói phải thì "củ cải cũng nghe”.

Dự luật trắc trở

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên dự thảo Luật Quy hoạch được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn bị một số bộ “có quan điểm khác”, cho dù được “đặt nền móng” từ 2010.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, có lẽ không quên được một buổi sáng giải trình vất vả tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Quy hoạch vào tháng 9 năm ngoái. 

{keywords}

Bộ KH-ĐT rất vất vả khi xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch vì bị phản ứng. Ảnh: L.Bằng

Khi đó, đại diện Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh luật Quy hoạch có tác động rất lớn đến Bộ Xây dựng cũng như ngành xây dựng và không nhất trí đối với cả 2 phương án Tổng thể quy hoạch quốc gia được đưa vào dự luật.

Còn trong cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 10/1, Thứ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây Dựng, Bộ NN-PTNT,... đều “nói khác” với quan điểm được đưa ra tại dự thảo Luật.

Vì sao dự thảo Luật Quy hoạch lại bị một số bộ phản ứng mạnh vậy? Bởi lẽ, nó động chạm đến lợi ích của không ít bộ ngành khi giảm các kiểu quy hoạch ngành, sản phẩm như quy hoạch cá tra, xi măng, karaoke,...

Khi xây dựng Luật Quy hoạch, Chính phủ cũng thừa nhận rằng: Đã có quy hoạch sản phẩm bị sử dụng là bằng chứng bất lợi cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, Chính phủ nhận định.

Bên cạnh đó, không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng "giấy phép con" trong thủ tục hành chính, gây cản trở hoạt động về đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) không thiếu các ví dụ để chứng minh.

Ông Đức kể: "Tôi đã từng ngồi nói chuyện với một DN. Họ bảo phải mất 2 năm mới bắt đầu đầu tư được một dự án. Họ bảo cái khó là dự án không nằm trong quy hoạch, nên phải xin điều chỉnh quy hoạch để bổ sung dự án này vào. Không có văn bản nào hướng dẫn, bằng mối quan hệ và các biện pháp chạy chọt họ mới xin được điều chỉnh quy hoạch.

"Giai đoạn xin điều chỉnh quy hoạch là hộp đen rất lớn, trong đó rất tù mù không biết chuyện gì đang diễn ra. Trong khi đó, thủ tục xin giấy phép đầu tư rất đơn giản với họ, 35 ngày là xong nhưng phần trước đó thì rất lâu”, ông Đức chia sẻ.

Từ câu chuyện trên, vị chuyên gia VCCI cho rằng những loại quy hoạch nào liên quan tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguồn vốn ngân sách thì giữ. Những hàng hóa sản phẩm nhà nước hạn chế như thuốc lá, vũ trường,... thì nên áp dụng cơ chế quota hơn là quy hoạch. Quy hoạch ngành sản phẩm nên bỏ.

Tinh thần ấy đã được thể hiện trong dự thảo Luật quy hoạch. Đương nhiên nhiều bộ ngành sẽ phản ứng vì đây đang là công cụ để họ quản lý.

Nếu như thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại, tăng gấp 6 lần.

Hơn 8.000 tỷ đồng đã chi ra để lập các quy hoạch này.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo các dự án được quy hoạch cả giai đoạn 2011-2020 nếu tính theo giá thực tế khoảng 385-395 tỷ USD. Trong khi đó nguồn lực chỉ đáp ứng 50% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch, còn thiếu trên 200 tỷ USD.

Lương Bằng