-Nếu có nơi nào, cơ quan nào phá vỡ cái tập quán "báo cáo
láo" và con số ảo, chỉ e rằng nơi đó, con người đó sẽ trở thành "hiện
tượng lạ", thậm chí có thể bị xem như
"người ngoài hành tinh"?
Nhân đọc bài trên Tuần Việt Nam về việc "phát động cao trào nói thật", tôi xin góp thêm vài ý kiến minh họa, hưởng ứng.
Thứ nhất, vì sao cần phát động cao trào. Có lẽ, vì làm giả, nói dối đã ăn sâu vào máu thịt, thành lối mòn, nếp làm việc, tác phong lâu đời của không ít cơ quan nhà nước. Lâu dần, người ta quen với chuyện đó. Thế nên, dù "phát động phong trào" là chuyện tối kỵ, chuyện hô hào suông.... nhưng ở lĩnh vực này, tôi cho rằng cần có một phong trào như vậy. Chí ít là để thay đổi từ trong nhận thức một vấn đề mà lâu nay ta đã quen phê phán, lên án nhưng ít giải pháp thực thi.
Ảnh minh họa |
Như một thông lệ, mỗi dịp cuối năm, dịp của hội họp, tổng kết, đánh giá... là xuất hiện câu chuyện báo cáo "láo" với thống kê "sai". Như tác giả bài viết đã dẫn chứng, thì hầu hết mọi chỉ tiêu, con số đều là ảo, và đều được làm cho sạch, cho đẹp. Sai từ địa phương đến Trung ương, lan sang các bộ ngành.
Vì đâu nên nỗi?
Cá nhân tôi cho rằng mọi chuyện bắt đầu từ căn bệnh thành tích, từ thói quen"chuộng nghe những lời giả dối". Vì thế mà sinh ra những con số chỉ có giá trị phụ họa. Mà đã là phụ họa, thì chỉ cốt sao cho đẹp, cho sạch, cho dễ lọt tai, xuôi mắt "thủ trưởng" hay các cơ quan kiểm tra, thanh tra.
Cái sai bắt đầu từ dưới sai lên, từ chuyện nhỏ dẫn đến những chuyện lớn. Có thể, ban đầu, người ta chỉ dùng những "sai số" để ứng phó. Nhưng, nguy hiểm thay, khi các con số ảo được vận dụng và được coi là căn cứ để các cấp, ngành ra quyết sách, lên kế hoạch... Mọi chiến lược phát triển dựa trên những thống kê không có thật sẽ đi đến đâu, về đâu?
Như có bạn độc giả Tuần Việt Nam vừa phân tích, thì phát động cao trào “nói thật, báo cáo đúng” là đòi hỏi ý thức tự giác. Nhưng tự giác chỉ đi đôi với kỉ luật thép mà kỉ luật thép chỉ được thực thi trong môi trường có phản biện độc lập.
Ở ta, đã có một môi trường như vậy chưa? Ai tạo ra môi trường đó và ai nuôi dưỡng nó?
Nếu ngay lập tức, có nơi nào, cơ quan nào phá vỡ cái tập quán "báo cáo láo" và con số ảo đó, chỉ e rằng nơi đó, con người đó sẽ trở thành "hiện tượng lạ", thậm chí kỳ quặc, bị xa lánh. Thậm chí có thể bị xem như "người ngoài hành tinh"? Liệu ai sẽ chấp nhận và lắng nghe sự thật.
Như bài viết của ông Lê Doãn Hợp, rằng niềm tin của nhân dân vào tính trung thực, minh bạch của các cơ quan công quyền bị xói mòn nghiêm trọng. Tôi mong rằng cao trào nói thật sẽ bắt đầu từ trên xuống, chứ không phải từ dưới lên.
- Hải Ngọc