Một thông tin có thể khiến bạn bất ngờ, mỡ thừa tại một số vị trí sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, nhưng mỡ tích tụ tạ một số vị trí khác lại không phải chuyện gì quá nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để nhận biết sự khác biệt này? Dưới đây là những gì bạn cần biết về sự phân bố mỡ trong cơ thể và nó cho biết gì về cơ thể bạn. Thêm nữa là cách nào để cân bằng chúng để có một sức khoẻ tốt hơn.
Bạn không thể kiểm soát mỡ của bạn ở đâu, nhất là khi bạn lớn tuổi hơn
Phần lớn mọi người có xu hướng tích mỡ tại phần trung tâm của cơ thể như bụng và đùi. Tuy nhiên, một số yếu tố như gen, giới tính, độ tuổi và hormone có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ và nơi tích trữ mỡ trong cơ thể. Về gen, theo một nghiên cứu năm 2017, 50% khả năng phân bố mỡ trong cơ thể phụ thuộc vào gen. Nếu phần đa người trong gia đình bạn có bụng tròn hay hông đầy hơn, thì khả năng cao bạn cũng sẽ có nó sớm thôi.
Giới tính cũng quyết định lượng mỡ trong cơ thể của bạn. Trong khi nam giới trưởng thành có lượng mỡ ở mức trung bình trong khoảng từ 18-23% khối lượng cơ thể, con số này ở nữ giới lại là 26-32%. Nam giới thường có xu hướng tích mỡ phần bụng, trong khi nữ giới thường tích mỡ ở phần hông và mông. Và khi bạn lớn tuổi hơn, mức phần trăm mỡ trong cơ thể của bạn cũng sẽ tăng thêm do việc trao đổi chất giảm đi và mất dần các mô cơ. Lượng mỡ lúc này đa phần tích trong nội tạ thay vì tích trữ dưới da.
Cuối cùng, nội tiết tố của bạn. Hormone và cân nặng thường liên kết với nhau, đặc biệt khi bạn đến độ tuổi 40. Nguyên do là bởi sự sụt giảm testosterone ở nam và estrogen ở nữ, khiến lượng mỡ tích nhiều hơn.
Có hơn một loại mỡ trong cơ thể bạn phải quan tâm
Có đến 3 loại mỡ khác nhau trong cơ thể, mỗi loại có một chức năng riêng và được lưu trữ ở những nơi khác nhau trong cơ thể. Loại thứ nhất, mỡ dưới da, thường nằm ngay bên ngoài cơ bắp và dưới da của bạn, tập trung ở mông, hông và đùi và bạn dễ dàng nhận ra chúng bằng cách chọc, véo. Chúng ta tích trữ mỡ đến 90% dưới dạng mỡ dưới da, và đây đa phần là lượng mỡ mọi người muốn loại bỏ.
Về cơ bản, mỡ dưới da là năng lượng dự trữ. Tuy ta luôn tìm cách loại bỏ nó nhưng thực tế là với một lượng vừa đủ, mỡ dưới ra rất hữu dụng cho cơ thể. Nó giải phóng hormone leptin, báo cho não bộ rằng chúng ta đã no và không cần ăn thêm nữa, nó cũng tạo ra hormone adiponectin, một loại hormone chống viêm có vai trò duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh.
Mỡ nâu, loại này chắc sẽ khá mới và lạ lẫm với mọi người. Đây là loại mỡ đặc biệt có nhiệm vụ đốt thêm năng lượng và giữ ấm cho cơ thể. Trẻ nhỏ có khá nhiều lượng mỡ này (giải thích tại sao thân nhiệt trẻ luôn cao hơn so với người lớn) và ít hơn khi bạn lớn lên. Loại mỡ này thường tích tụ tại vai và vùng quanh ngực.
Cuối cùng, mỡ nội tạng nằm sâu bên trong khoang bụng. Chúng được tích trữ ở gan, ruột và tim, và dĩ nhiên bạn không thể cảm nhận hay nhìn thấy loại mỡ này do nó nằm sâu trong cơ thể bạn. Mỡ nội tạng quá nhiều sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khoẻ.
Bởi vì chúng tích trữ xung quanh những cơ quan quan trọng, chúng có thể xâm nhập vào ảnh hưởng đến chức năng của nội tạng đó. Khi mỡ đi vào gan, chúng sẽ chuyển hoá thành cholesterol, đi vào máu và gây tắc nghẽn động mạch. Gan nhiễm mỡ cũng là nguyên nhân gây ra ung thư gan, căn bệnh ung thư đứng đầu về số ca mắc mới và tỉ lệ tử vong tại Việt Nam.
Theo một số khảo sát tổng hợp, có đến 42% nam giới và 44% nữ giới dư thừa mỡ nội tạng. Cách tốt nhất để đo lượng mỡ này là chụp CT và MRI. Một cách kiểm tra nhanh tại nhà, nếu vòng eo của bạn lớn hơn 89cm đối với nam và 102 đối với nữ, có khả năng là bạn đang bị dư thừa mỡ nội tạng rồi.
Cách bạn sinh hoạt ảnh hưởng đến lượng mỡ nội tạng trong cơ thể
Tình trạng sức khoẻ của bạn là phản ứng của cơ thể với những thói quen của bạn hàng ngày. Với 3 thói quen dưới đây, chắc chắn nguy cơ tích trữ mỡ ở nội tạng của bạn sẽ tăng nhiều trông thấy. Thứ nhất, ăn quá nhiều đồ ăn vặt, những đồ chiên rán ngập dầu, đồ ăn nhiều đường và quà bánh. Những loại đồ ăn này nhanh chóng được hấp thụ vào máu, đẩy hormone insulin, loại hormone có nhiệm vụ phân bổ đường và tích trữ chúng thành mỡ. Ăn quá nhiều chất béo bão hoà (từ đồ chiên rán, mỡ động vật) cũng dễ làm tăng mỡ nội tạng hơn.
Lười vận động, tình trạng chung của đa phần mọi người hiện nay khi giải trí không còn là các hoạt động ngoài trời mà là trước màn hình điện tử. Chắc chắn là bạn ngồi càng nhiều thì vòng eo của bạn càng lớn. Nếu bạn có sử dụng Netflix, thỉnh thoảng nó sẽ hiển thị câu hỏi “bạn còn đang xem không?”, một lời nhắc rất khéo rằng bạn nên đứng dậy và đi dạo một chút đi.
Căng thẳng và stress thường xuyên, với nhịp sống hiện đại thì stress về công việc, tiền bạc hay cuộc sống không phải hiếm. Đáng sợ nhất là bạn để sự căng thẳng đó chiếm lấy cuộc sống của bạn. Khi bạn căng thẳng, cơ thể tự động tiết ra hormone cortisol, với nhiệm vụ tăng cường trao đổi chất, tăng hấp thụ năng lượng và đẩy insulin lên cao, bạn sẽ thèm ăn hơn và dĩ nhiên sẽ tích mỡ nhiều hơn.
Những cách đơn giản giảm mỡ hay tích mỡ đúng nơi trong cơ thể bạn
Bạn có thể không kiểm soát được hoàn toàn việc tích mỡ trong cơ thể. Nhưng không có nghĩa là bạn không thể làm gì để tránh tích mỡ ở những nơi nguy hiểm sâu bên trong khoang bụng của bạn. Dưới đây là một số mẹo đơn giản, tham khảo nhé:
Chọn ăn tinh bột hấp thụ chậm và protein thay vì các món nhiều đường: Tinh bột chậm sẽ đi vào máu của bạn chậm hơn, insulin sẽ không tăng đột biến gây tích trữ mỡ. Ngoài ra, protein là đa lượng chính tạo cảm giác no cho cơ thể, bạn sẽ bớt thèm ăn hơn khi ăn nhiều đạm
Tập thể dục, và hãy tăng cường độ thường xuyên: Việc tập luyện giúp tăng hình thành cơ nạc, từ đó bạn cần nhiều năng lượng để nuôi cơ thể hơn, và bạn sẽ đốt mỡ nhiều hơn.
Kiểm soát căng thẳng: giữ tâm trạng thoải mái, bớt căng thẳng là cách để giúp cơ thể bạn không bị ngập trong cortisol, và không bị tích mỡ, dễ hiểu mà
Hãy ngủ đủ: Có lẽ giấc ngủ là điều bị xem thường nhất hiện nay, nhưng thiếu ngủ là nguyên nhân khiến cơ thể dễ bị căng thẳng hơn. Một nghiên cứu kéo dài trong 6 năm chỉ ra người chỉ ngủ 5h mỗi ngày có lượng hormone cortisol cao hơn 32%, và cũng dễ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch nhiều hơn.
Bạn đừng thực hiện tất cả những thói quen này cũng một lúc. Làm từng bước nhỏ, tận hưởng chúng và xây dựng một thói quen tốt lâu dài cho bản thân mình, đấy mới là mục tiêu sau cùng để bảo vệ sức khoẻ.
Chúc bạn luôn có 1 sức khoẻ tốt!
Theo GenK