Từng là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, công ty Phần Lan đã bước hụt trên thị trường smartphone và bị Apple, Samsung qua mặt. Cuối cùng, Nokia phải bán mảng thiết bị cho Microsoft vào cuối năm 2013 và từ đó dồn toàn lực cho mảng thiết bị mạng viễn thông.

Tuy nhiên, ông chủ Nokia Rajeev Suri đang chuẩn bị quay lại. Ông sẽ phải đợi ít nhất đến cuối năm 2016 khi các điều khoản trong giao dịch hết hiệu lực, nhưng công cuộc chuẩn bị đã bắt đầu từ bây giờ. Nokia thực tế đã đặt một chân vào thị trường tiêu dùng bằng tablet Android N1, bán ra từ tháng 1/2015 tại Trung Quốc. Vài ngày trước, hãng cũng giới thiệu camera thực tế ảo, báo trước “sự hồi sinh của Nokia”. Ứng dụng Z Launcher cũng được ra mắt với tác dụng sắp xếp nội dung trên smartphone.

Trong lúc này, mảng công nghệ Nokia đang đăng tuyển hàng loạt vị trí liên quan đến phát triển sản phẩm trên mạng tuyển dụng LinkedIn, trong đó có kỹ sư Android chuyên về nền tảng di động. Trước đó, Nokia từng định sa thải khoảng 70 người của bộ phận đó nhưng nguồn tin của Reuters tiết lộ con số đã được giảm còn một nửa.

Không có nhiều chi tiết về quá trình chuẩn bị của Nokia được công khai, ngoài việc Nokia cho biết một vài nhân viên trong mảng công nghệ đang phát triển thiết kế cho các sản phẩm tiêu dùng mới, bao gồm điện thoại, y tế và video. Tuy vậy, tìm đường về lại thị trường quá thừa sự cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng như thị trường smartphone không hề dễ dàng, đặc biệt khi chỉ mình Apple cũng đã chiếm mất gần 90% lợi nhuận ngành.

“Quân át” mà Nokia đang nắm trong tay chính là một trong những kho bằng sáng chế lớn nhất thế giới, gồm nhiều bản quyền vẫn giữ lại sau khi bán mảng thiết bị. Nokia không hề muốn lãng phí nguồn tài nguyên tốn hàng chục tỷ euro trong 2 thập kỷ mới gây dựng được.

Công ty cũng sẽ có cả tá nhân tài trong tay sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Alcatel-Lucent và thành lập trung tâm nghiên cứu Bell Labs, nơi có sự phục vụ của các nhà khoa học đã giành 8 giải thưởng Nobel.

Nokia sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ như không bắt kịp xu hướng, phản ứng quá chậm trước thị hiếu người dùng. Để hạn chế rủi ro, hãng đang tìm kiếm các đối tác để nhượng quyền thương hiệu, theo đó Nokia thiết kế điện thoại nhưng nhường doanh nghiệp khác sản xuất đại trà, tiếp thị và bán thiết bị và chỉ nhận phí bản quyền.

Hướng đi này hoàn toàn ngược lại với Nokia trước đây. Ông Suri cho biết Nokia muốn quay lại thị trường di động nhưng chỉ thông qua các thỏa thuận nhượng quyền như vậy. Tuy giải pháp nhượng quyền thương hiệu mang về lợi nhuận thấp hơn so với tự sản xuất và bán sản phẩm nhưng đổi lại có rủi ro thấp hơn.

Nhượng quyền thương hiệu không phải điều gì quá mới mẻ trong ngành công nghệ: các công ty châu Âu như Philips và Alcatel kiếm tiền từ sản phẩm tiêu dùng bằng cách cấp phép sử dụng thương hiệu của họ sau khi “đầu hàng” các đối thủ châu Á hơn một thập kỷ trước. Dù vậy, đứng trước lớp doanh nghiệp mới như Xiaomi hay Micromax, rất khó để nói Nokia có lặp lại thành công như Philips và Alcatel hay không.

Với các tiến bộ trong sản xuất và phần mềm, linh kiện và tính năng, bất kỳ công ty nào cũng đủ sức thuê công ty ngoài chế tạo các mẫu điện thoại tương tự nhau. Sức mạnh của thương hiệu Nokia – yếu tố quan trọng quyết định thành công của các thương vụ nhượng quyền – cũng còn bỏ ngỏ.

Nokia cho biết thương hiệu quen thuộc với 4 tỷ người. Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu thị trường Interbrand, sau một thập kỷ nằm trong danh sách 5 thương hiệu hàng đầu thế giới, Nokia đang lao dốc nhanh chóng và có nguy cơ trượt khỏi top 100. “Một thương hiệu bị lãng quên nhanh chóng khi biến mất khỏi thị trường tiêu dùng”, cựu quan chức Nokia Anssi Vanjoki, nhận định. “Thương hiệu không giúp ích nhiều nếu sản phẩm na ná những gì đang được bán ra. Song, nếu có gì mới mẻ và hấp dẫn, di sản cũ sẽ phát huy tác dụng”.