Hoài bão của chàng trai 8X
Anh Trần Văn Đương (SN 1989) sinh ra và lớn lên ở vùng đất có truyền thống dệt chiếu cói - Quang Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình.
Từ nhỏ, anh đã biết đi phụ việc cho các xưởng dệt hoặc nhận đồ về nhà làm, phụ giúp kinh tế cho bố mẹ.
CEO 8X Trần Văn Đương |
Gia đình làm nông nghiệp, chăn nuôi nên cuộc sống lúc nào cũng vất vả. Học hết cấp 3, chàng trai 8X không thi đại học mà theo bố đi làm thuê cho 1 cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo với đồng lương 3 triệu/tháng.
Trong thời gian làm thuê, anh Đương thấy như vậy chỉ đủ ăn, không thể khá giả. Lòng anh ấp ủ nhiều hoài bão. Anh chịu khó học hỏi cách quản lý, nhập hàng, sản xuất hàng, cách thuê nhân công…
Năm 2016, sau khi vững tay nghề, anh bàn với bố, quyết định về quê vay tiền mở công ty sản xuất thủ công mỹ nghệ từ bèo tây. Anh Đương là giám đốc điều hành.
Hai bố con và một số người quen làm số lượng nhỏ lẻ. Anh mang đi các tỉnh thành chào hàng. Nhiều nơi thấy anh trẻ, không muốn kết hợp làm ăn.
Sản phẩm thủ công - mỹ nghệ từ bèo tây. |
Một vài công ty đồng ý đặt hàng của anh nhưng lại đòi hạ giá thành và chỉ lấy số lượng nhỏ. Nếu trừ đi nhân công, nguyên liệu, vận chuyển, anh thấy có khi còn lỗ.
Trước tình thế khó khăn, anh Đương quay lại các địa điểm đã từ chối mình, thuyết phục họ lấy hàng bán thử. Khi nào bán hết, anh mới lấy tiền.
Những đơn hàng nhỏ, anh huy động gia đình, người thân làm, xin mọi người hỗ trợ, chỉ nhận lương tượng trưng.
Một số đơn hàng chuyển đi, bị trả lại do lỗi, anh vẫn vui vẻ chấp nhận. Anh coi như là bài học cho mình, tìm cách khắc phục.
Thành phẩm sau khi đan xong được sấy khô, nhúng keo, sơn bóng để tăng độ bền. |
Bước đầu khó khăn, anh Đương còn phải học cách quản lý tài chính, quản lý nhân công… qua mạng, sách kinh doanh và những nơi có thể.
Vượt qua quãng thời gian đó, CEO 8X từng bước xây dựng được thương hiệu, sản phẩm làm ra ngày càng đẹp.
Uy tín anh tạo dựng cũng được đền đáp, nhiều doanh nghiệp làm xuất khẩu kết nối, đặt số hàng lớn xuất đi nước ngoài.
Doanh thu 20 tỷ/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động
Anh Đương chia sẻ, nguyên liệu anh mua từ các hộ dân. Họ đi vớt bèo tươi, về sơ chế, lấy thân cây rồi mang đi phơi khô.
Mỗi tháng trung bình anh nhập 4 - 5 tấn bèo. Các sản phẩm làm ra được phơi, sấy chống mốc, cắt gọt, làm sạch. Cuối cùng là sơn bóng hoặc sơn đen và gắn mác Made in VietNam. Công đoạn sấy khô, các sản phẩm được đưa vào lò sấy chuyên dụng.
Trung bình mỗi ngày, một công nhân làm được 3 - 4 sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu là: Giỏ, làn, túi xách, hộp đựng đồ, hộp đựng khăn giấy, thảm trang trí… Nếu muốn sản phẩm có màu sắc bắt mắt, công nhân sẽ cho nhuộm màu.
“Tất cả các sản phẩm được xuất đi thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…”, CEO 8X cho hay.
Sản phẩm gắn mác "Made in VietNam", được thị trường nước ngoài ưa chuộng. |
Mỗi thành phẩm có giá dao động từ 40 - 50 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi các công ty xuất khẩu đưa sang các nước, chúng thường có giá từ 200 - 500 nghìn đồng.
“Tôi là đơn vị sản xuất. Họ là bên trung gian, mua lại hàng của tôi, đóng tem mác tên họ và xuất đi. Doanh nghiệp họ mua lại của tôi với giá gốc vài chục nghìn, còn bán đi thế nào là do tính toán lời lãi của bên họ. Hai bên thương thảo điều này trong hợp đồng từ đầu”, anh nói.
Anh tâm sự, từ ngày khởi nghiệp đến nay, kinh tế gia đình anh ổn định, dư dả hơn trước.
Công ty của anh Đương tạo việc làm cho phụ nữ, người lao động nhàn rỗi tại địa phương. |
Bình quân 1 năm doanh thu ở công ty khoảng 20 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như: Tiền lương công nhân, tiền nguyên liệu, điện nước, vận chuyển…, thu nhập của anh thuộc diện khá của địa phương.
Bên cạnh cải thiện đời sống cho mình, công ty của anh góp phần giải quyết được số lượng lao động dư thừa.
Mùa cao điểm, mỗi ngày xưởng sản xuất của công ty có 60 nhân công, còn bình thường có 30 nhân công làm việc. Mức lương của họ là 4 triệu đồng/tháng.
Gần 5 năm hoạt động, anh Đương cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo tây tiêu thụ khá tốt bên nước ngoài.
Từ thân cây bèo, người thợ thủ công đã tạo nên những sản phẩm độc đáo. |
Anh cũng liên hệ với một số doanh nghiệp trong nước, đưa sản phẩm của mình đến các tỉnh thành phát triển du lịch như: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Ngoài ra, CEO 8X tự mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến 1 số hội chợ thương mại, tìm đối tác.
Ông Bùi Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Quang Thiện thông tin: "Doanh nghiệp của anh Trần Văn Đương tuy không phải là cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ lớn nhưng cũng góp phần giải quyết được lượng lao động cho địa phương. Doanh nghiệp cũng chấp hành đầy đủ các chính sách của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ. Hàng năm, anh Đương tham gia các chương trình thiện nguyện, đóng góp vào quỹ khuyến học, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Hiện doanh nghiệp chưa có mặt bằng khang trang, chỗ làm nằm trong khuôn viên gia đình. Địa phương luôn ủng hộ và động viên các thanh niên trẻ làm giàu cho gia đình và phát triển kinh tế xã hội. |
9X cãi lời mẹ, mượn tiền xây dựng thư viện sách miễn phí
Bị bố mẹ phản đối, chàng công nhân sinh năm 1996 vẫn vay mượn tiền để xây dựng một thư viện sách miễn phí cho người dân ở địa phương.
Minh Khuê