Đó là chia sẻ của ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020.
Ông Sùng cho biết, thời gia qua, Hội đã tập tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM, từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ…
Bên cạnh đó, hội đã phối hợp với bộ ngành tổ chức tập huấn, hội thảo cho 8.448.850 lượt hội viên nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng NTM. Đồng thời phối hợp xây dựng trên 10.000 mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cho các hội viên, nông dân tham gia.
Nhờ khoản tiền 150.000 tỷ nông dân đóng góp mà nhiều vùng làng quê Việt thay đổi (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Đặc biệt, trong 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân cả nước đóng góp trên 150.000 tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công, hiến trên 37 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 480.000km kênh mương nội đồng và 1.570.000km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn nhà văn hóa thôn, ấp, bản; xóa 29.411 nhà tạm.
Ngoài ra, Hội còn đào tạo, dạy nghề cho 3 triệu lượt hội viên, nông dân về tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng công nghệ cao, an toàn và liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, theo ông Thào Xuân Sùng, Hội Nông dân Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao vị thế, vai trò và đời sống của nông dân trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với tiếp tục thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM.
Trong đó chú trọng đến xây dựng đội ngũ cán bộ cho tới hội viên để có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp; vận động người dân tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết thành chuỗi; phát huy đầy đủ trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của giai cấp ND trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, ND giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại; xây dựng cơ chế và phân vai cụ thể trong vấn đề liên kết “6 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị mới để đảm bảo lợi ích của mỗi bên tham gia.
Bài: Hoàng Tư Giang - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Hùng - nhóm PV