“Bạn có muốn món này không?” - nông dân nuôi ong Ma Gongzuo nói, nhìn thẳng vào camera điện thoại trong khi cắn vào tảng mật đang nhỏ những giọt màu hổ phách.
Trên nên tảng chia sẻ video có 400 triệu người dùng ở Trung Quốc, Ma có 737.000 người theo dõi.
Theo AFP, sáng tạo video đã trở thành chiến thuật bán hàng phổ biến của nông dân Trung Quốc. Các clip cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm về nguồn gốc sản phẩm, đồng thời khiến họ tò mò về cuộc sống ở vùng nông thôn.
Đối với không ít người, xu hướng này giúp họ tìm ra con đường thoát nghèo.
Ma Gongzuo ghi lại cảnh nếm mật ong tại trang trại của mình ở tỉnh Chiết Giang. |
“Nhiều người nói tôi chẳng được tích sự gì khi thấy tôi trở về. Họ cho rằng mọi người chỉ có thể thoát nghèo nếu học tập và kiếm việc làm ở thành phố”, Ma nhớ lại thời điểm anh mới trở về làng sau khi mở shop kinh doanh quần áo online thất bại.
Hiện giờ, chàng trai 31 tuổi lái xe sang, kiếm đủ tiền mua tài sản giá trị, phụng dưỡng cha mẹ và giúp đỡ dân làng sửa sang nhà cửa và làm ăn.
Năm 2015, Ma Gongzuo tiếp quản cơ ngơi sản xuất mật ong của gia đình ở vùng đồi xanh tươi của tỉnh Chiết Giang. Nhờ các ứng dụng thương mại điện tử, anh xoay sở để đạt doanh thu 1 triệu nhân dân tệ/năm (143.000 USD). Tuy nhiên, việc bán hàng bắt đầu đình trệ.
Tháng 11/2018, với sự hỗ trợ từ bạn bè cùng làng, Ma bắt đầu chia sẻ video về cuộc sống của mình ở nông trại - từ mở thùng nuôi ong khiến chúng bu kín cơ thể đến bơi trên sông hay đốn gỗ.
“Tôi không bao giờ quảng cáo sản phẩm. Tôi cho mọi người thấy cuộc sống hàng ngày và những cảnh quan vùng nông thôn. Đó là những gì khán giả quan tâm. Tất nhiên, họ nghĩ rằng tôi bán mật ong và liên lạc với tôi để mua hàng”, Ma nói.
Ma nói mình không bao giờ quảng cáo sản phẩm trong các video mà đơn thuần cho mọi người thấy cuộc sống dân dã. |
Giống như hầu hết giao dịch ở Trung Quốc - nơi tiền mặt ngày càng ít phổ biến, các đơn đặt hàng được thanh toán thông qua nhiều ứng dụng trực tuyến.
Ma cho biết hiện doanh thu bán mật ong của anh được 2-3 triệu nhân dân tệ/năm và một số mặt hàng khác như khoai lang khô và đường nâu.
“Thời thơ ấu nghèo khó, tôi thường ngưỡng mộ những đứa trẻ khác ở trường có tiền tiêu vặt vì tôi chưa bao giờ có”, anh nói.
Hiện Ma lái một chiếc BMW 4 x 4 có giá khoảng 760.000 nhân dân tệ và cũng đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ quy mô nhỏ.
“Dùng mạng xã hội là bước ngoặt. Hiện giờ, tôi có thể mua cho gia đình những thứ họ cần. Tôi cũng giúp người dân cùng làng bán sản phẩm. Tất cả vì lợi ích kinh tế địa phương”, chàng trai 31 tuổi nói.
Ở Trung Quốc, khoảng 847 triệu người truy cập Internet thông qua điện thoại. Vì vậy, các ứng dụng trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong thành công của Ma.
“Đó là sự tiến bộ. Người già như chúng tôi cảm thấy choáng ngợp. Khi có tiền, chúng tôi có thể sửa sang căn nhà của mình”, ông Ma Jianchun - cha của Ma vui vẻ nói.
Các ứng dụng trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong thành công của Ma. |
Trung Quốc là nơi có thị trường phát sóng video trực tiếp lớn nhất thế giới, theo công ty kiểm toán Deloitte của Mỹ. Bắt kịp xu hướng, công ty ByteDance đã tổ chức các lớp hướng dẫn 26.000 nông dân cách làm chủ "nghệ thuật tạo video".
Ứng dụng thương mại điện tử phổ biến nhất ở đất nước tỷ dân cũng đã khởi động một dự án vào năm 2019 giúp nông dân kiếm thêm thu nhập .
Số người sống dưới mức nghèo ở nông thôn Trung Quốc đã giảm đáng kể - từ 700 triệu vào năm 1978 xuống còn 16,6 triệu vào năm 2018, theo số liệu của chính phủ.
Nhưng kinh tế ở vùng nông thôn tiếp tục suy giảm do nhiều người Trung Quốc đổ về các thành phố để tìm kiếm việc làm cho thu nhập cao hơn.
“Chúng tôi muốn cho người trẻ thấy rằng mọi người hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp và kiếm tiền ở các vùng nông thôn. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều người về quê lập nghiệp để cải thiện cuộc sống và nền kinh tế địa phương”, Ma Gongzuo - người có trình độ đại học - chia sẻ.
Với sự nổi tiếng của mình, Ma nói rằng anh nhận được nhiều lời đề nghị không chỉ đến từ những người quan tâm đến mật ong của mình.