Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa tăng cường kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp như triển khai có hiệu quả các chính sách của trung ương về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tính minh bạch; đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong 10 địa phương trên cả nước hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp công nghệ cao, Thanh Hóa ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đến nay, Thanh Hóa đã kêu gọi, thu hút được 171 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, với tổng mức đầu tư khoảng 21.376,193 tỷ đồng, bình quân 125,007 tỷ đồng/dự án; trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 7 dự án với tổng mức đầu tư 3.873,437 tỷ đồng, bình quân 553,348 tỷ đồng/dự án.
Đơn cử, Tập đoàn FLC, vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư vào dự án Nông trường Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa có trụ sở tại xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc với tổng diện tích đang quản lý là gần 1.300 ha, bao gồm 530 ha mía nguyên liệu, 530 ha cao su…
Phía Vingroup được chấp thuận đầu tư vào Nông trường Sông Âm, có tổng diện tích đang quản lý là 1.000,26 ha, nằm trên địa giới hành chính của 8 xã thuộc 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao |
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu F - khu nông nghiệp công nghệ cao, dân cư hiện trạng đô thị mới và các công trình đầu mối TP. Sầm Sơn.
Diện tích lập quy hoạch khoảng 905ha thuộc 2 phường và 3 xã trên, trong đó phường Quảng Thọ (35ha), phường Quảng Vinh (128,6ha), xã Quảng Minh (387ha), xã Quảng Hùng (252ha), xã Quảng Đại (102,5ha).
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và thông thôn cho biết, đến hết năm 2020 sẽ tích tụ thêm 20,4 nghìn ha đất sản xuất. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ tích tụ được trên 100 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp.
Trong kế hoạch tích tụ sẽ có khoảng gần 2,5 nghìn ha được hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình đang được triển khai, với đối tượng hỗ trợ là các nhóm cây rau màu, cây dưa, cây dược liệu, cây ăn quả, tôm thẻ chân trắng.
Các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách của Chính phủ về việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với năng lực của tỉnh và tạo ra sự đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%
Nông nghiệp Thanh Hóa hướng tới sản xuất lớn, hiện đại |
Không chỉ xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thanh Hóa cũng đạt trên 30%, vượt mục tiêu nhiệm kỳ. Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT Thanh Hóa lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 -2025, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiệm kỳ 2015-2020 tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.
Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch tích cực; nông nghiệp giảm từ 76,3% từ đầu nhiệm kỳ xuống khoảng 69%; lâm nghiệp tăng từ 5,7% lên 8%; thủy sản tăng từ 17,9% lên 23%... Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 1,64 triệu tấn/năm, đạt mục tiêu kế hoạch. Trong trồng trọt, việc cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất hầu hết các cây trồng chính đều tăng.
Thanh Hóa chuyển đổi được trên 45 nghìn ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn năng suất thấp, kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn. Diện tích thâm canh các cây trồng có lợi thế của tỉnh, các vùng cây nguyên liệu được duy trì, phát triển, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm lợi thế như mía, sắn; nông sản hữu cơ; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây thức ăn chăn nuôi và các loại rau màu thực phẩm hình thành và phát triển. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được nhân rộng...
Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm, sản lượng thịt hơi, trứng, sữa tươi đều tăng so với năm 2015.
Thanh Hóa đã rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng cơ bản ổn định diện tích rừng đặc dụng, tăng diện tích rừng sản xuất gắn với phát huy chức năng phòng hộ với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 53%, vượt 0,43% mục tiêu nhiệm kỳ.
Mỗi năm, Thanh Hóa trồng trên 2 triệu cây phân tán, 10 nghìn ha rừng tập trung. Đến năm 2020, diện tích rừng gỗ lớn đạt 56 nghìn ha; luồng thâm canh 30 nghìn ha; dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94 nghìn ha...
Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt trên 180 nghìn tấn, tăng gần 37 nghìn tấn so với năm 2015. Khai thác thủy sản chuyển dịch tích cực từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc.... Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư nâng cấp...
Gia An