Lên giá nhờ thương mại điện tử

Cùng với việc sản xuất, thu hoạch ứng dụng công nghệ cao, đến nay, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) đều được tập huấn chụp ảnh, đăng hình ảnh sản phẩm lên trang điện tử của Hợp tác xã để quảng bá. Hợp tác xã cũng phân công thành viên đăng bài, viết lời giới thiệu và cập nhật các đơn hàng đặt qua trang điện tử của Hợp tác xã.

Không chỉ giao dịch, quảng bá, nông sản của Hợp tác xã còn được liên kết với một số sàn thương mại điện tử do ngành Nông nghiệp quản lý.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm chia sẻ: Thông qua các sàn thương mại điện tử, nhiều hợp đồng được ký kết và khách hàng được mở rộng. Có thời điểm, một số nơi do áp lực thời vụ, ổi chỉ được giá 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của Hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.

buoi-nam-phuong-tien.png
Sản phẩm bưởi hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) được bán trên sàn thương mại điện tử.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Huyền, những năm gần đây, Hợp tác xã linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội Zalo, Facebook làm kênh mua bán nông sản như: Bưởi Diễn, rau hữu cơ, lúa gạo hữu cơ…

“Ban đầu, Hợp tác xã lập kênh bán hàng trên các nền tảng xã hội chủ yếu là bưởi Diễn. Dần dần, lượng khách hàng ngày càng đông, Hợp tác xã tiếp tục bổ sung mặt hàng khác. Bán qua mạng xã hội, sàn điện tử thuận lợi hơn so với qua thương lái, đầu mối truyền thống. Hợp tác xã có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới”, chị Nguyễn Thị Huyền cho biết thêm.

nong-san-deu-co-tem-nhan.jpg
Nông sản Hà Nội dần "phủ sóng" các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Đánh giá việc phát triển các kênh thương mại trên nền tảng mạng xã hội, giao dịch nông sản qua sàn điện tử, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Đây là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số của thời đại công nghiệp 4.0. Không chỉ sản xuất, việc buôn bán cũng phải dần số hóa.

Để đưa lên sàn thương mại điện tử, sản phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng. Ngành Nông nghiệp đang duy trì hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn).

Bắt nhịp xu thế số

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp đang dần ứng dụng tiếp thị thông qua các nền tảng số như Facebook, Youtube, Tiktok... 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối là các sàn giao dịch điện tử, tuy nhiên số khai thác tốt chưa nhiều.

doanh-nghiep-tao-hinh-san-pham.jpg
Các doanh nghiệp cần chú trọng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm khi giới thiệu tại các sàn thương mại điện tử.

Việc ứng dụng công nghệ số trong cả sản xuất, kinh doanh nông sản còn hạn chế. Do đó, đào tạo, tập huấn là điều mà các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đặc biệt quan tâm trong quá trình đưa nông sản lên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh sự thay đổi của người nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng. Thực tế, thời gian qua, các ngành chức năng của Hà Nội đã cùng vào cuộc, tích cực hỗ trợ người sản xuất.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho hay: Hà Nội đang từng bước đưa công nghệ số, ứng dụng AI vào đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Qua đó, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, thêm gắn kết, năng lực cạnh tranh hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố được nâng cao.

“Hằng năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hợp tác xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có 150 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành thông tin.

quet-ma-qr-thong-tin-san-pham.jpg
Nông sản được giới thiệu trên các kênh bán hàng điện tử đều có mã truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; triển khai gian hàng trên các sàn thương mại điện tử: Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại của ngành…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, cùng với gắn mã vùng trồng, ngành Nông nghiệp cũng xây dựng kế hoạch tập huấn, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các địa phương, đơn vị tổ chức tập huấn, đào tạo công nghệ số cho người sản xuất, kinh doanh; ký kết các chương trình phối hợp, liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn để nông sản Hà Nội thiết lập được kênh bán hàng đa dạng, bắt kịp xu thế số hiện nay.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) đã hỗ trợ, cấp tài khoản, duy trì hệ thống quản lý cho 3.377 hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản; cấp 13.123 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua hệ thống, khách hàng có thể "check-in" thông tin sản phẩm chéo từ các kênh thương mại của chủ sản xuất hay bán hàng.

 Theo Đỗ Minh (Báo Hà nội mới)