Khảo sát và đánh giá kết quả bước đầu triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu ở huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) cho thấy những người nông dân đã thực sự làm chủ cuộc sống của mình. Đó là một nông thôn xanh mát, trù phú nông, lâm sản do chính nông dân tạo ra.

{keywords}
Nông thôn Bắc Quang đổi mới từng ngày nhờ hạ tầng được xây dựng khang trang

Đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Bắc Quang cho biết: Hiện nay, Bắc Quang đã có 6 xã đạt Chuẩn NTM. Từ nay đến cuối năm, Bắc Quang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 xã là Hùng An và Kim Ngọc đạt chuẩn NTM.

Phấn đấu, đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành ở xã Tiên Kiều về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện giai đoạn 2 lên 9 xã, đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 40/KH – UBND ngày 18.2.2016 của UBND tỉnh giao. Tổng vốn huy động toàn xã hội chung tay xây dựng NTM tại Bắc Quang trong những năm qua đạt trên 390 tỷ đồng; riêng nguồn lực huy động vốn, đất đai, hoa màu, công lao động trong dân cư đạt trên 131 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 1/3 tổng vốn xây dựng NTM toàn huyện.

Đảng bộ huyện Bắc Quang xác định: Xây dựng NTM phải tiếp tục nâng cao các tiêu chí về mọi mặt để đời sống vật chất, tinh thần của người dân được từng bước nâng cao.

Theo đó, chỉ đạo xã Đồng Yên xây dựng NTM Kiểu mẫu điển hình về phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Tiếp tục xây dựng xã Vĩnh Phúc, Quang Minh, Việt Vinh, Vĩnh Hảo trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế. Coi trọng tiêu chí nâng cao về thu nhập thông qua phát triển sản xuất hàng hoá gắn với phát triển HTX, tổ hợp tác và liên kết các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng thời, cho phép các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân tự chủ liên doanh, mở rộng hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức thương mại để phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. Chú trọng sản xuất các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao như chè Shan tuyết hữu cơ, cam Sành, các sản phẩm nông sản đặc sản quý hiếm như cá Chiên, cá Lăng chấm, lợn đen... đạt chuẩn OCOP để hội nhập và nâng cao giá trị hàng hoá tại mỗi địa phương.

Coi trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như, làm thuốc Nam dân tộc, rèn, đúc công cụ, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre. Đặc biệt là gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân gian như, hát cọi, lễ hội Lồng tồng. Coi đó là sự khác biệt, là đặc sản riêng có ở mỗi vùng quê, vùng đất để thu hút khách thập phương về Bắc Quang.

Bài: Nguyễn Hoài Bắc - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Anh Duy - nhóm PV