79.553 tỷ đồng vốn huy động từ người dân và cộng đồng
Trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đạt 932.498 tỷ đồng cao nhất cả nước (khoảng 40%); trong đó, ngân sách đối ứng của địa phương là 81.481 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 79.553 tỷ đồng.
Nông thôn các tỉnh phía Nam đã thực sự" mặc áo mới". |
Đến nay cả 2 vùng đã có 874/1.731 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50,49% (tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước 50,8%).
Riêng vùng Đông Nam Bộ có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015;trong đó, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong vùng/cả nước đã công nhận 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 563/1.286 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 43,78%,tăng 30,88% so với cuối năm 2015.
Theo ghi nhận, trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đạt 932.498 tỷ đồng cao nhất cả nước (khoảng 40%); trong đó, ngân sách đối ứng của địa phương là 81.481 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng là 79.553 tỷ đồng.
Chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng
Qua đó, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét, nhất là trong tổ chức sản xuất và chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân.
Đến nay, vùng Đông Nam Bộ gần 100% số xã có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…; vùng Đồng bằng sông Cửu Long 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa...
Cả hai vùng đã có 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, vùng Đông Nam Bộ có 18 đơn vị và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 12 đơn vị, chiếm 33,7% của cả nước (89 đơn vị). Đồng Nai cũng là tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Triển khai đồng bộ mỗi xã một sản phẩm
Cũng theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được các địa phương phía nam quan tâm triển khai đồng bộ và bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các đơn vị.
Đến nay, 13 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án OCOP cấp tỉnh, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến 2020 của cả khu vực là 369 sản phẩm. Đáng chú ý, Bến Tre là tỉnh duy nhất của 2 vùng đã triển khai phân hạng sản phẩm OCOP với 45 sản phẩm đạt từ 3 sao (31 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao).
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. |
Bài: Lê Tuyết Nhung - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV