Là địa phương “nổi tiếng” với công nghiệp, dịch vụ, nhưng Đồng Nai trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và điểm sáng Đồng Nai đã góp phần tạo nên thành tích chung để Chương trình xây dựng nông thôn mới của cả nước về đích sớm hơn dự kiến đề ra.

{keywords}
"Nông thôn mới mà dân còn đói, còn nghèo thì người ta không tin"

Sản xuất là quan trọng nhất

Đồng Nai có 133 xã triển khai xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, 100% số xã này đã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn quốc gia. Cấp huyện có 8/11 đơn vị đạt chuẩn, 3 đơn vị còn lại cũng đã được Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, dự kiến trong tháng 4/2019 sẽ nhận quyết định.

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh vào năm 2019, nghĩa là “về đích” sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2021. Nhưng chưa dừng lại ở đó, nông thôn mới ở Đồng Nai không ngừng được nâng cao vì càng về sau chuẩn của các tiêu chí đều được nâng lên, việc thẩm định cũng khắt khe hơn.

Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững về mặt chất lượng, nghĩa là phải lấy đời sống người dân nông thôn làm thước đo, việc không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn được chú trọng hàng đầu.

Để có được những kết quả như vậy, ngoài những vấn đề như công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định được hướng đi, vai trò người đứng đầu… thì yếu tố người dân được đặc biệt coi trọng.

“Sản xuất là quan trọng nhất. Nông thôn mới mà dân còn đói, còn nghèo thì dân người ta không tin. Thúc đẩy sản xuất có 2 cái lợi, một là dân tin, từ ngày làm nông thôn mới đời sống mình khác hẳn, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn… Thứ 2, phát triển sản xuất thì người dân có điều kiện để đóng góp ngược lại cho nông thôn mới. Ví dụ khi huy động làm đường anh đóng 5 triệu. Anh thấy làm đường thì đúng mà không có tiền thì cũng không thể đóng góp” - Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai chia sẻ với VOV.

Ở Đồng Nai, xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được. Do vậy, việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Để đạt mục tiêu đó, cần phát triển sản xuất theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị nông sản.

OCOP- Sức bật cho Nông thôn mới

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chương trình xây dựng nông thôn cả nước đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để “nâng chất” cho phong trào, các địa phương cần tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi.

Trên tinh thần đó, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh và hiện đang xây dựng, hoàn thiện đề án “Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2035”. Đặc biệt, Đồng Nai cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12 sản phẩm thuộc chương trình OCOP. “Đối với các sản phẩm đã được lựa chọn, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các đơn vị chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và xúc tiến thương mại. Mục tiêu là biến các tiềm năng vốn có trở thành lợi thế cạnh tranh của sản phẩm”.

Tại hội nghị quán triệt sâu chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh, phải xem OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, tăng giá trị. Do đó, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tập trung triển khai nhanh trên địa bàn tỉnh.

Chương trình OCOP có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới. Do đó, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể và các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, các HTX nắm bắt và tham gia.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng dự thảo chỉ thị về chương trình hành động trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành để triển khai chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP. “Trước mắt phải thực hiện thành công 12 sản phẩm đã xác định đến năm 2020, từ đó để dẫn dắt chương trình trong giai đoạn tiếp theo”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.

Bài: Vũ Văn Điệp - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV