Toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 12.000 ha (chiếm gần 30% đất lúa, hơn 20% đất nông nghiệp) đất lúa kém hiệu quả cùng với 2.700 ha đất bãi ven sông Hồng, sông Luộc sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, cây ăn quả đặc sản, trồng hoa và cây cảnh, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

{keywords}
Nông thôn mới ở Hưng Yên: Điểm nhấn từ tái cơ cấu nông nghiệp

Các diện tích chuyển đổi áp dụng công nghệ thâm canh mới, giống cây cho năng suất chất lượng cao như nhãn T1, T6; vải trứng chín sớm, dược liệu, chuối tiêu hồng, cam Hưng Yên, dưa lưới, dưa vàng thơm... Theo đó mang lại giá trị cao gấp nhiều lần trồng lúa, với mức bình quân đạt hơn 190 triệu đồng/ha.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường; tổ chức lại và thành lập 275 hợp tác xã, gần 100 tổ hợp tác, gần 800 trang trại phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, việc gắn kết doanh nghiệp-hợp tác xã-hộ nông dân được hình thành và nhân rộng.

Tại các huyện đã mở rộng nhiều mô hình sản xuất tập trung, hình thành vùng chuyên canh sản phẩm hàng hóa cho giá trị lớn như trồng hoa cây cảnh, vùng nhãn lồng và cam, vùng thâm canh vải trứng, chuyên chuối tiêu hồng, cánh đồng dược liệu…

Tỉnh đã lựa chọn 72 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Dự kiến năm 2020 tổ chức hội chợ Ocop trên cơ sở lựa chọn sản phẩm tiêu biểu từ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, sản phẩm làng nghề như gà Đông Tảo, tương Bần, hoa cây cảnh Xuân Quan, nhãn muộn Hàm Tử, vải chín sớm Phù Cừ...

Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng an toàn sinh học, xây dựng được 4 vùng Gahp ở các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ. Các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi được hình thành và nhân rộng. Nhiều mô hình cho thu từ 2 đến hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.

Bài: Nguyễn Hoài Bắc - nhóm PV
Ảnh: Đặng Hoài Thanh - nhóm PV