13 tuổi, Thanh Tâm đã chọn theo học đàn bầu - nhạc cụ mà ngày đó chỉ có đàn ông theo học, bởi tiếng đàn réo rắt, dễ làm xao động lòng người. Vượt qua định kiến “... làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, Thanh Tâm đã theo đuổi thanh âm mà mình mê đắm; đã mang tiếng đàn bầu đi khắp mọi miền đất nước, đến với bè bạn quốc tế qua nhiều cuộc biểu diễn trong nước và các chuyến lưu diễn nước ngoài; được vinh dự biểu diễn trước các chính khách nổi tiếng thế giới, và trở thành nghệ sĩ đàn bầu đầu tiên được phong tặng NSND.

NSND Thanh Tâm bên cây độc huyền cầm.

- 13 tuổi, chọn đàn bầu để gắn nghiệp, hẳn đó là một quyết định quá liều lĩnh lúc bấy giờ, thưa bà?

Ngày nhỏ, tôi được nghe thanh âm trong veo, thánh thót của đàn bầu qua đài phát thanh và bị mê hoặc từ đó. Khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) tuyển sinh, tôi đăng ký thi đàn bầu. Tại sao tôi lại mê đắm thế, bởi tôi nghĩ mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng, có loại hình nghệ thuật riêng. Đàn bầu là một nhạc cụ gần như xuất phát từ Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo.

Tại sao người ta lại cho rằng thanh âm của đàn bầu buồn, bởi vì trải qua nghìn năm lịch sử ấy, dân ta bị đô hộ, đời sống khó khăn, tiếng đàn bầu như nói lên tiếng lòng của người xưa. Thời đại nào âm nhạc sẽ mang hơi thở thời đại đó, nhạc dân tộc, trong đó có đàn bầu cũng vậy thôi.

Hơn 50 năm theo nghề, tôi nhận thấy một điều, để yêu một thứ gì đó phải có thời gian, sự say mê, tìm hiểu cũng như sự lao động miệt mài, theo thời gian sẽ củng cố tình yêu đó. Khi tôi yêu, tôi bắt đầu tìm hiểu thấy rằng thanh âm của đàn bầu đâu phải chỉ có những nốt buồn mà nó cũng đầy đủ những cung bậc hỉ nộ ái ố, như cuộc đời con người vậy.

NSND Thanh Tâm và học trò - NSƯT Đăng Dương.

- Chiêm nghiệm lại, bà có thấy tiếng đàn vận vào cuộc đời mình?

Người ta hay nói nghề và nghiệp, nên thẳng thắn mà nói, đã chọn ngành nghệ thuật nói chung là phải chấp nhận những thăng trầm trong cuộc sống, lúc vui, lúc buồn... mà suy cho cùng trong cuộc đời ai chẳng có lúc thăng trầm. 

Chiêm nghiệm lại, đúng là thanh âm trầm bổng của tiếng đàn bầu có thể cũng ám vào cuộc đời tôi thật, bởi tôi không phải là người sôi nổi, thời trẻ cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả để đến với nghề và được làm nghề. Nhưng dù sao tôi thấy mình cũng rất may mắn khi chọn đàn bầu là nghiệp của mình. Bởi tôi đã được tổ nghiệp ưu ái rất nhiều khi theo đuổi nghề giảng dạy và biểu diễn đàn bầu.

Qua đàn bầu, tôi có dịp tìm hiểu sâu về nguồn gốc của cây đàn, về những sáng tạo tài tình của ông cha qua các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đàn bầu cho tôi nhiều phút thăng hoa để nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn, trân quý hơn. Và cũng nhờ đàn bầu mà tôi có nhiều cơ hội kết nối với rất nhiều bạn trong nước và quốc tế. Được đi nhiều nơi trên thế giới, thấy những cái hay, đẹp giúp cuộc sống của mình tốt hơn, thêm yêu cây đàn của dân tộc mình, như lời trong bài thơ của nhà thơ người Pháp Meray viết về đàn bầu: 

“Đàn bầu thật giống với con người Việt Nam: Nghèo của mà giàu lòng, giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà phong phú...”. 

- Hành trình làm nghề, bà gặp phải khó khăn gì?

Thật ra nếu gọi là áp lực, chắc áp lực lớn nhất với tôi là không được nhiều người ủng hộ khi chọn đàn bầu là công cụ để lập nghiệp. Đó cũng là lý do nhiều khi tôi muốn chuyển sang học nhạc cụ khác. Tôi rất cảm ơn chú Bá Sách - một thầy giáo dạy đàn bầu những năm 1960, 1970, mỗi khi tôi chán nản, thầy lại gọi đến vườn chè nhà bác chủ nhà ở xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, Bắc Giang và ngồi trên cái chõng tre gảy cho tôi nghe những làn điệu dân ca Việt Nam qua tiếng đàn bầu... Tiếng đàn thánh thót, nỉ non lại khơi dậy ở tôi niềm đam mê không từ bỏ được.

Đó là lúc đi học, còn khi đã ra làm nghề, áp lực lớn nhất lại chính từ cuộc sống. Ấy là lấy chồng, sinh con, nuôi dạy con... Nhưng đã là phụ nữ Việt Nam, hầu như ai mà chẳng có cuộc sống phải lo toan như vậy. 

Thời gian khó khăn nhất với tôi có lẽ là lúc phải quyết định chia tay người chồng cũng là mối tình đầu, lúc đó chắc tôi đã suy tư và nghĩ nhiều đến những điều rất tồi tệ nhất... đến nỗi sức khỏe giảm sút, chỉ còn có 35kg, nhưng rồi nhờ có con, có bố mẹ, anh em, bạn bè là chỗ dựa cho tôi hồi tâm lại. Và khi buồn khi vui tôi lại tìm đến đàn bầu để tâm sự, để giãi bày. 

- Duyên nghiệp với cây đàn, đó cũng chính là điều thôi thúc bà phải truyền lửa cho thế hệ kế cận?

Hơn 50 năm giảng dạy, tôi tự hào rằng các học trò của mình đã ít nhiều có thành công như: NSND Hoàng Anh Tú, các NSƯT như Kim Anh, Bùi Lệ Chi, Ngô Trà My, Quang Hưng, Lệ Giang... Nói như vậy không phải tôi kể công mà bởi ít nhất tôi đã truyền lửa đam mê từ mình đến các học trò. 

Tôi vẫn hay tâm sự với học trò: Thật ra, nghề nào cũng có lúc vấp phải khó khăn, ai cũng có lúc chông chênh, phân vân với nghề, nhưng mình phải tìm cách vượt qua sự chông chênh ấy. Khi đã theo đuổi nghề mình chọn, luôn phải đam mê, hãy cứ yêu thật lòng, hãy cứ lao động, sáng tạo miệt mài theo suy nghĩ mà mình cho là đúng, bởi lựa chọn là do mình, không ai ép buộc. Những lúc gặp khó khăn, phải suy nghĩ cho kỹ và nhìn mọi việc với con mắt tích cực, phải luôn cố gắng sẽ được đền đáp, cây nào cho quả đó thôi.

Nghỉ hưu, NSND Thanh Tâm sống vui vẻ, tận hưởng cuộc sống và vẫn gắn bó với cây đàn. 

- Cuộc sống sau nghỉ hưu của bà hiện tại diễn ra như thế nào?

Vì đam mê, muốn truyền lại những kinh nghiệm mình tích luỹ được sau nhiều năm làm nghề, nên tôi vẫn nhận lời giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, tôi thích viết những gì liên quan đến đàn bầu, đến nhạc dân tộc, hiệu đính lại sách vở... đấy là về công việc. 

Còn cuộc sống, trải qua những năm tháng tuổi trẻ, tôi giờ đã có cuộc sống bình yên, hàng ngày tôi và chồng thường chở nhau đi ăn sáng, uống cà phê, ngắm nhìn đường phố Hà Nội, có dịp thì đi du lịch cùng con cháu… Nói chung cuộc sống rất thảnh thơi, mình đã sống và làm việc chăm chỉ, chẳng còn gì tiếc nuối.

Đôi lúc cao hứng, tôi còn làm thơ, trong đó có bài thơ về đàn bầu:

Ngần ấy năm rồi ta có nhau

Buồn vui, hờn giận suốt canh trường

Em chẳng phụ tôi trong gian khó

Tôi vẫn yêu em suốt cuộc đời

Ngần ấy năm rồi em biết không

Em là hình bóng của hoa cười

Mùa xuân, mùa hạ, thu đông tới

Là cả hồn tôi suốt bốn mùa

Em dệt cho tôi đẹp ước mơ

Cho tôi ánh sáng lúc đêm về

Chia sớt với tôi bao buồn khổ

Cho tôi nhân hậu giữa phong ba

Em có biết không? Em biết không

Em là tất cả ánh mai hồng

Là nơi tôi gửi hồn tôi đó

Em chính là tôi, tôi là em.

NSND Thanh Tâm sinh năm 1953. Bà nguyên là Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Bà đã viết và biên soạn hơn 10 cuốn sách dùng cho dạy và học đàn bầu. Bà cũng nổi tiếng khi chơi những tác phẩm: Cung đàn đất nước, Ru con… và là nghệ sĩ đầu tiên ra đĩa CD về thể loại âm nhạc dân tộc.