Những thông tin trên được báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

{keywords}
NTM Đồng Tháp: Bài học từ cách phát huy tính chủ thể của người dân

Trong 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả. Trong đó có thể kể đến các mô hình: Cây xoài nhà tôi, ruộng nhà mình, hội quán nông dân, du lịch cộng đồng, làng mới… Ở những mô hình đó, người dân cùng nhau hợp tác, thể hiện tính cộng đồng cao. Đồng thời, mỗi người cũng có dịp để đóng góp những ý tưởng, cách làm sáng tạo phục vụ cho cộng đồng. Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những người dân biết tự mình đứng lên, làm chủ trên quê hương của mình. Thành quả lớn nhất là kích hoạt sự năng động của xã hội, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xây dựng NTM được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và ngay từ đầu tỉnh đã chọn 30 xã làm điểm. Sau đó, Tỉnh ủy ban hành kết luận số 23 tiếp tục thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững, tiếp tục chọn thêm 37 xã để chỉ đạo điểm.

Điểm nổi bật là các mô hình mới, cách làm hay nhằm phát huy tính chủ thể của người dân, như sổ tay hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng NTM, xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM theo “3 tự 1 nhờ” hướng đến tinh thần cộng đồng, tự lực, chăm chỉ, hợp tác. Bên cạnh đó, Đồng Tháp nổi tiếng mô hình cây xoài nhà tôi, ruộng nhà mình, canh tác lúa thông minh, du lịch cộng đồng…

Cùng với ngân sách địa phương hơn 1.400 tỷ đồng, người dân đã đóng góp trên 1.500 tỷ đồng để xây dựng nông thôn.

Đến nay tỉnh có 55/119 xã đạt chuẩn NTM, cùng với đó, TP Sa Đéc là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm nay, toàn tỉnh sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, 2 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là huyện Tháp Mười, thị xã Hồng Ngự.

Đặc biệt, mô hình Hội quán nông dân, với khoảng 4.000 thành viên tham gia, tạo không gian để tập hợp người dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận kiến thức mới trong SX, định hướng chuyển tư duy SX nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đến nay, đã có 17 HTX thành lập trên cơ sở các Hội quán nông dân mở ra hướng đi mới, phù hợp tái cơ cấu nông nghiệp, giúp hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức SX.

Ngoài ra, Đồng Tháp thực hiện cơ chế Nhà nước cấp vật tư - Người dân đóng góp ngày công lao động trong xây dựng các công trình nông thôn. Tỉnh đã huy động dân cư đóng góp xây dựng NTM, với hơn 1.500 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa hơn 1.650km đường giao thông, 1.113 cây cầu; sửa chữa, xây mới trên 6.700 căn nhà, thắp sáng 214km đường quê; tham gia 721.769 ngày công, hiến hơn 2,5 triệu m2 đất.

Từ năm 2016 - 2019, toàn tỉnh Đồng Tháp huy động các nguồn vốn được hơn 93.536 tỷ đồng xây dựng NTM, giúp người dân nâng ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết và thực hiện tốt vai trò làm chủ, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, xây dựng NTM ở Đồng Tháp không để phát sinh nợ đọng.

Theo mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ có thêm 12 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự và 1 huyện là Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Dự kiến sẽ có 79 xã đạt nông thôn mới vào năm 2020.

Kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 90% tổng số xã đạt chuẩn NTM, có 6 huyện đạt chuẩn NTM thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so năm 2020. Dự kiến, nhu cầu vốn cho NTM giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.125 tỷ đồng.

Bài: Ngọc Châm - Ngọc Trâm - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - Nhóm PV